Nhảy đến nội dung
 

'Cấp cứu' làn da cháy nắng

Da cháy nắng thường có biểu hiện đỏ, nóng rát, căng tức da ở vùng tiếp xúc ánh nắng và phồng rộp... Ảnh: Freepik.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Phương, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, chỉ cần phơi da dưới ánh nắng khoảng 15-30 phút mà không có biện pháp bảo vệ, tia cực tím (UV) đã có thể gây tổn thương lớp biểu bì.

“Da bị cháy nắng không chỉ gây cảm giác bỏng rát, đỏ căng, mà về lâu dài còn làm tăng nguy cơ lão hóa sớm và ung thư da”, bác sĩ Phương cảnh báo.

Biểu hiện thường thấy khi bị cháy nắng gồm da nóng, đỏ, rát khi chạm vào, căng tức, thậm chí phồng rộp. Tình trạng này phổ biến với những người đi biển, leo núi hoặc tham gia hoạt động thể thao ngoài trời kéo dài.

Khi làn da bị cháy nắng, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Thanh Giang, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, hướng dẫn điều đầu tiên cần làm là làm mát vùng da bị tổn thương bằng khăn lạnh hoặc nước mát. Tuyệt đối không chườm nước đá trực tiếp vì có thể khiến da thêm tổn thương.

Tiếp đó, mọi người nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ như gel nha đam, kem chứa panthenol. Người bị cháy nắng nên tránh xa mỹ phẩm chứa cồn hoặc hương liệu trong giai đoạn này.

Trong trường hợp da bị phồng rộp, tuyệt đối không chọc vỡ bóng nước hoặc tự ý bôi thuốc chứa corticoid khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.

Để thúc đẩy quá trình hồi phục, người bệnh nên uống nhiều nước, ăn trái cây tươi, đặc biệt là các loại giàu vitamin C như cam, dứa, ổi... giúp tái tạo da và tăng sức đề kháng. Bác sĩ Giang khuyến cáo nếu xuất hiện các dấu hiệu như sốt, buồn nôn, chóng mặt hoặc da phồng rộp trên diện rộng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Làn da của trẻ em và người lớn tuổi thường mỏng và nhạy cảm hơn, do đó dễ bị tổn thương dưới ánh nắng gay gắt. Các chuyên gia khuyên cần che chắn kỹ càng, thoa kem chống nắng phù hợp và tránh để nhóm đối tượng này tiếp xúc trực tiếp với nắng gắt trong khung giờ 10-16 giờ.

Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.