Cạnh tranh gay gắt, 2 hãng xe điện dùng chiêu thổi phồng doanh số trắng trợn, chính quyền lập tức vào cuộc

Cuộc cạnh tranh về giá và áp lực doanh số khiến một số hãng xe điện tại Trung Quốc thi nhau tìm cách thổi phồng số liệu.
Hai hãng xe điện Trung Quốc, Neta và Zeekr đã thổi phồng doanh số bằng cách đăng ký bảo hiểm bắt buộc cho xe trước khi bán chúng tới tay người tiêu dùng, Reuters đưa tin.
Hành vi này cho phép các hãng xe ghi nhận doanh số ảo nhằm đạt chỉ tiêu hàng tháng và quý, đồng thời tạo ra cảm giác tăng trưởng mạnh trên thị trường.
Từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2024, Neta đã ghi nhận trước doanh số cho ít nhất 64.719 xe – tương đương hơn 55% tổng doanh số 117.000 xe, tài liệu mà Reuters thu thập được từ các đại lý cho biết.
Cách làm của Neta là mua bảo hiểm giao thông bắt buộc cho xe để hệ thống đăng kiểm Trung Quốc ghi nhận là xe đã được bán, mặc dù chúng chưa đến tay khách hàng. Một số xe vẫn nằm tại kho hàng của đại lý nhiều tháng.
Nhiều người mua xe Neta sau này mới phát hiện hợp đồng bảo hiểm đã được kích hoạt từ trước, khiến thời hạn bảo hiểm thực tế ngắn hơn. Một đại lý cho biết Neta làm vậy để chạy doanh số và kịp nhận trợ cấp xe điện kết thúc cuối năm 2022.
Zeekr – thương hiệu xe điện cao cấp của tập đoàn Geely – cũng sử dụng chiêu thức tương tự thông qua đại lý chính tại thành phố Hạ Môn là Xiamen C&D Automobile.
Trong tháng 12/2024, Zeekr báo cáo doanh số tại Hạ Môn đạt 2.737 xe, tăng gấp 14 lần mức trung bình tháng. Tuy nhiên, theo dữ liệu của chính quyền Hạ Môn, chỉ 271 xe được cấp biển số trong tháng đó, tức là số xe còn lại chưa thực sự đến tay khách.
Zeekr biện minh rằng những chiếc xe được mua bảo hiểm trước là xe trưng bày, không phải xe đã qua sử dụng, và việc mua bảo hiểm là để “đảm bảo an toàn khi vận hành trong showroom”. Tuy nhiên, hãng không trả lời trực tiếp về việc liệu số xe này đã được ghi nhận là bán lẻ hay chưa.
Trong ngành xe Trung Quốc, những chiếc xe chưa lăn bánh nhưng đã được đăng ký bảo hiểm được gọi là “xe cũ 0 km”. Tình trạng này cho thấy cuộc chiến giá và áp lực bán hàng khốc liệt tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Hành vi này hiện đang bị chính phủ Trung Quốc siết chặt. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đã tuyên bố sẽ cấm chuyển nhượng xe trong vòng 6 tháng nếu xe đã được đăng ký bán nhưng chưa thực sự đến tay người tiêu dùng.
Các hiệp hội đại lý xe tại khu vực đồng bằng Trường Giang cũng lên tiếng phản đối, tố cáo áp lực doanh số phi thực tế từ các hãng khiến họ buộc phải làm giả doanh thu.
Neta từng là hãng xe điện top 8 tại Trung Quốc năm 2022 với doanh số 152.000 xe. Tuy nhiên, sang 2024, doanh số tụt mạnh còn 87.948 xe. Trong quý 1/2025, hãng chỉ bán được 1.215 xe trong nước. Chủ sở hữu – công ty Zhejiang Hozon – đã bắt đầu thủ tục phá sản vào tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Trong khi đó, Zeekr đang trong quá trình tái cơ cấu và cũng phải đối mặt với sự giám sát gắt gao từ truyền thông và cơ quan quản lý sau khi bị tờ báo China Securities Journal đích danh nêu tên.
Ông Li Yanwei, chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà phân phối ô tô Trung Quốc, nhận định rằng việc thổi phồng doanh số để làm đẹp báo cáo tài chính và chạy đua KPI là hành vi ngụy tạo kết quả và không thể chấp nhận được trong một ngành đang cần lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Tham khảo: Reuters