Cảnh giác với nạn lợi dụng AI phát tán tin giả

Bạn đọc Báo Thanh Niên mong muốn các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ và xử lý thật nghiêm những hành vi lợi dụng AI để tung tin giả.
Như Thanh Niên đề cập, tại Tọa đàm "Ứng phó với tin giả trên mạng xã hội như thế nào?" do Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua, thượng tá Đỗ Minh Kim, Phó trưởng phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, cho biết từ khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển, các đối tượng lợi dụng để tạo nội dung giả mạo, phát tán tinh vi, có đến 53% tin giả đã có yếu tố AI.
Theo thượng tá Kim, tin giả là một thách thức toàn cầu, tác động trực tiếp và rất lớn đến xã hội. Tin giả làm rối loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận xã hội. Tin giả là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bản chất của tin giả nhiều khi chỉ là một phần sự thật bị lồng ghép ý đồ xấu, gây nhầm lẫn, xoi mói, xúc phạm danh dự cá nhân, ảnh hưởng doanh nghiệp. Nhiều vụ việc đã bị cơ quan chức năng xử phạt nghiêm.
"Tin giả nào cũng nguy hiểm, nhưng đặc biệt nguy hiểm với nhóm liên quan chính trị, tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp đáng lưu ý nhất vì gây ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo nhận diện, không chia sẻ thông tin vô tội vạ trên mạng", thượng tá Kim cảnh báo.
Làm sao nhận biết?
Đa số bạn đọc (BĐ) tỏ ra băn khoăn vì tình trạng lợi dụng AI để tạo dựng, phát tán tin giả vốn khó nhận biết.
BĐ Minh Nghĩa nêu: "Tác hại của tin giả thì ai cũng hiểu, nhưng tin giả thường được tạo dựng để đánh lừa người khác. Thật khó nhận biết khi hiện nay kẻ xấu còn lợi dụng các phần mềm AI để dựng lên tin giả". BĐ Hoài Trung nhận xét thêm: "Ban đầu là những sản phẩm AI được tạo ra vì tò mò, vì vui, ai cũng biết là do AI tạo ra... Nhưng dần dần, tôi cảm thấy những video AI này ngày càng giống thật, đến mức thông điệp mà chúng truyền tải cũng trở nên khó nhận biết đâu là đùa, đâu là thật hơn. Điều này rất đáng lo".
Nhắc đến tình trạng nhiều đối tượng thuê dịch vụ chuyên nghiệp để phát tán tin giả, nhất là trong ngành nghề có sự cạnh tranh với nhau, để hạ bệ uy tín của doanh nghiệp là đối thủ, BĐ Trịnh Cường cho hay: "Một trong những kỹ năng của các doanh nghiệp hiện nay là nhận biết và chống lại tin giả, nhất là tin giả tạo dựng từ AI". "Không chỉ doanh nghiệp, người dân cũng cần trang bị cho mình kỹ năng phân biệt nội dung AI", BĐ Thủy nhận xét thêm.
Nhờ AI chống AI
Tuy nhiên, việc phân biệt nội dung AI không đơn giản, nhất là với những người dân không thường xuyên tiếp xúc với công nghệ. Nhiều BĐ đề nghị cần phải có những giải pháp công nghệ cụ thể để hỗ trợ người dân nhận diện tin giả.
BĐ Bao Thoa nêu: "Cá nhân tôi không rành về công nghệ AI, đọc các thông tin cảnh báo về nạn lợi dụng AI để phát tán tin giả, tôi cũng lo. Giá như có một phần mềm AI nào đó để giúp tôi phát hiện nội dung AI trên mạng thì hay quá". Tán thành, BĐ Trường Lưu cho rằng tin giả xuất hiện không chỉ vì kẻ gian cố tình tạo dựng, mà còn do người dùng mạng xã hội thiếu kỹ năng phân tích, thiếu đánh giá thông tin; bị tâm lý đám đông dẫn dắt: "Nhiều người chia sẻ tin giả vì tưởng là thật, do thấy nhiều người khác cũng đăng, tạo hiệu ứng ảo".
BĐ The Quang nêu: "Thời buổi công nghệ 4.0, nhiều thông tin sai sự thật bị tạo dựng chỉ vì lợi ích cá nhân, đặc biệt là khi các công cụ AI đang phát triển mạnh. Cơ quan quản lý cần quản lý chặt chẽ và xử lý thật nghiêm những hành vi tung tin sai sự thật, nghiên cứu ứng dụng AI để phát hiện AI, chứ người dân không phải ai cũng phân biệt được".