Nhảy đến nội dung
 

Cánh đồng di sản của Quốc Trung và Nguyễn Xinh Xô

Cánh đồng di sản là một hành trình âm thanh chậm rãi, u ám, trầm ngâm, buồn bã, tích tụ năng lượng trong từng bản nhạc riêng lẻ và chạy suốt album, giống như một cơn bão đang dần hình thành.

20 năm Quốc Trung mới trở lại với một album phòng thu, kể từ Đường xa vạn dặm đậm đặc world music với các yếu tố dân gian Việt Nam vào năm 2005. 

Nguyễn Xinh Xô, người tạo ra những đường âm thanh điện tử sắc nét và đương đại, 'vắng mặt' đã lâu, vừa trở về với EP Hanoi Waltz quyến rũ phố phường cách đây không lâu.

Lần này cả hai đi về phía cánh đồng di sản, dẫn khán giả bước vào một hành trình âm thanh choáng ngợp và thân mật, đi từ những trong trẻo, rực rỡ của núi rừng Tây Bắc đến ồn ã, vô tăm tích của phố phường. 

Ở đó, những track nhạc như một cuốn nhật ký về thời gian và không gian mà chúng được tạo ra, còn hai nghệ sĩ như những người ghi chép cần mẫn.

Những khoảnh khắc cuối cùng

Album được khởi đi từ một dự án giới thiệu lần đầu trong khuôn khổ Lễ hội âm nhạc quốc tế gió mùa 2023. Lúc đó Quốc Trung và Nguyễn Xinh Xô đã chơi một set nhạc The Field of Heritage - Cánh đồng di sản đầy tung hứng và thăng hoa giữa âm nhạc và hiệu ứng thị giác.

Tuy nhiên vì dung lượng khá ngắn nên phải chờ tới album này ra mắt, người yêu nhạc mới "chạm" được vào một cách tràn đầy và thỏa mãn. So với set diễn đó, phần âm thanh trong album lấn át phần nghệ thuật thị giác, khi nghe cũng mở rộng biên độ tưởng tượng về mặt không gian nhiều hơn.

Cánh đồng di sản thực chất là album đôi với hai album sáng tạo riêng biệt, cũng là hai phần khác nhau của một câu chuyện.

Album The Field of Heritage: Life on high của Quốc Trung có bốn track: The Sun, Misty Twilight, On Mother's Back, Cloud vẽ nên không gian và vẻ đẹp trong đời sống, văn hóa của các tộc người vùng cao.

Còn album The Field of Heritage: City Life của Nguyễn Xinh Xô gồm bảy track: Dream of Distant Village, Street that Awake at Night, Morning in the city, Where He Belongs, Leaving the Village, Rhythm of the Soil, Boulevard He's Never Seen đi vào những tâm tư của người vùng cao di cư về TP mưu sinh, luôn nhớ, trăn trở nỗi niềm xa quê.

Hai nghệ sĩ kể chuyện những người dân tộc ở những vùng xa xôi di cư đến những thành thị, bỏ lại sau lưng làng quê, nguồn cội. Trong sự rực rỡ, lấp lánh của di sản núi rừng, đã có những phai lạt, mất mát không thể nào níu giữ...

Họ muốn ghi lại để nhớ, để sống, để giữ những khoảnh khắc cuối cùng bằng chính di sản âm thanh ấy và phát triển thêm bởi âm thanh điện tử analog thuần khiết. 

Qua đó khắc họa hành trình di cư của thế hệ trẻ miền núi Tây Bắc, lặng lẽ nhưng chất chứa nhiều trăn trở, nơi rừng cây dần lùi bước trước những khối bê tông, nơi con người đứng giữa giằng co của ký ức và hiện thực.

Cánh đồng cinematic bằng âm nhạc

"Người bản" Quốc Trung chia sẻ anh muốn một sản phẩm "nhiều sắc thái và âm sắc giàu cảm xúc để tạo ra một không gian kích thích trí tưởng tượng". 

Các bài trong album đều khá đơn giản đến rất đơn giản, thường chỉ có bốn nốt nhạc, đặc biệt có bài lúc mix chỉ có năm đường tiếng nhưng không hề đơn điệu.

Trong bốn track của Quốc Trung có bài Misty Sunset, nghệ sĩ dùng bốn nốt nhạc theo kiểu cồng chiêng của người Mường. Dù vậy tiếng cồng biến hóa với các âm sắc khác nhau như cách nghệ nhân chơi. Lúc thánh thót âm cao nhưng lại có âm bồi trầm đi kèm.

Sản phẩm có sự góp sức của những nghệ nhân dân gian tuổi 70 mà hát vẫn rất hay. Họ như những người độc tấu, dù giọng hát không thường trực, thỉnh thoảng vẳng lên nhưng cuốn lấy, bao trùm hết không gian. Nghe xa xôi, tráng lệ như thời đẻ đất đẻ nước.

Khi thực hiện Cánh đồng di sản, Nguyễn Xinh Xô chưa từng đặt chân đến Tây Bắc. Do học cổ điển từ nhỏ, anh hầu như không tiếp xúc với âm nhạc của vùng cao. Nghệ sĩ đã phải dùng trí tưởng tượng và rất nhiều những cảm nhận trong vô thức để cho ra bảy track nhạc làm nên chỉnh thể Cánh đồng di sản mà chúng ta có.

Song như Xinh Xô nói chuyện những người trẻ rời làng bản lên TP vô tình gợi lại và phản chiếu chính hành trình khi anh rời Việt Nam, khép lại những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, những ước mơ xa vời tuổi mới lớn và cả nỗi buồn mất người thân để bước vào một cuộc sống mới xa lạ, đẫm mặt với sự lạc lõng và đứt gãy. 

Vì thế khi thực hiện, nhiều lúc anh thấy lại một phần bản thân trong câu chuyện, trong nỗi nhớ, trong khoảng trống giữa cội nguồn và hiện tại.

Trong phần album của mình, Xinh Xô đã chọn sáo Mèo làm âm thanh chủ lực vì âm sắc của nó rất riêng, lúc sền sệt lúc vút cao, thổn thức, ngập ngừng và rất biểu cảm. Nó diễn tả một cách trực tiếp cảm trạng của người ra đi mà không cần qua bất cứ lớp "filter" nào.

Cánh đồng di sản của Quốc Trung và Nguyễn Xinh Xô sử dụng nhịp điệu điện tử kết hợp với các âm thanh dân gian và ambient, tạo cảm giác như một hành trình vừa lạ vừa quen vừa gần gũi thân mật nhưng cũng có cả chống chếnh, mỏng manh, dễ tan biến.

Tất cả cuộn lại thành một cơn bão tự nhiên mỗi lúc một lớn dần, nở rộ và đẹp đẽ. Đi cùng là một không gian âm thanh cinematic rực rỡ, kể cho chúng ta rất nhiều về một dải vàng son trong di sản âm thanh, di sản văn hóa của dân tộc.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn