Cảnh báo thói quen khiến thức ăn nhiễm tới hơn 490.000 hạt vi nhựa: Nhiều người Việt đang làm mỗi ngày

Theo chuyên gia, đây là thói quen phổ biến của nhiều người Việt nhưng có thể khiến hơn 490.000 hạt vi nhựa nhiễm vào thức ăn và gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Có nhiều con đường để vi nhựa xâm nhập vào cơ thể con người, trong đó có con đường ăn uống. Khi vật dụng bằng nhựa được sử dụng phổ biến trong các căn bếp, nguy cơ nhiễm vi nhựa càng tăng cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), các loại hộp nhựa đựng thực phẩm như hộp nhựa PP, PET, PS, PE là một trong những nguồn “rò rỉ” vi nhựa vào thức ăn.
Một trong những thói quen phổ biến khiến vi nhựa nhiễm vào thức ăn nhưng được nhiều người Việt áp dụng là hâm nóng thức ăn đựng trong hộp nhựa bằng lò vi sóng. Đặc biệt, hâm nóng các thực phẩm có chứa chất béo hoặc axit đựng trong hộp nhựa có thể khiến hộp nhựa thải ra lượng vi nhựa rất lớn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food and Chemical Toxicology năm 2023 cho thấy việc hâm nóng thực phẩm chứa dầu trong đồ nhựa có thể khiến hàng trăm nghìn hạt vi nhựa phát tán vào thức ăn.
Cụ thể, các nhà khoa học đã mô phỏng điều kiện nấu ăn thực tế bằng cách quay các hộp nhựa đựng hỗn hợp dầu và nước trong lò vi sóng 15 phút ở nhiệt độ 130°C. Kết quả cho thấy trung bình trong mỗi lít dung dịch có tới 490.330 hạt vi nhựa, đây là một con số đáng lo ngại. Nguyên nhân là do nhiệt độ cao kết hợp với chất béo trong dầu làm tăng tốc độ phân rã và rò rỉ hạt vi nhựa từ hộp đựng.
Nghiên cứu cũng cho thấy các loại vi nhựa thải ra chủ yếu là polyethylene và polypropylene – những loại nhựa thường được dùng trong sản phẩm hộp đựng thực phẩm.
Bác sĩ Hoàng cho biết một nghiên cứu khác từ Đại học Nebraska–Lincoln (Mỹ) năm 2022 cũng đã phát hiện việc sử dụng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn đựng trong các hộp nhựa polypropylene (PP) hoặc polyethylene (PE) cho trẻ có thể giải phóng hàng tỷ hạt nanoplastics cùng hàng triệu vi nhựa trên mỗi cm² bề mặt hộp.
Ngoài ra, việc rã đông nhanh làm co giãn cấu trúc nhựa cũng khiến vi nhựa thôi nhiễm vào thực phẩm.
Nguy cơ khi tiêu thụ thực phẩm nhiễm vi nhựa
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc tiêu thụ thực phẩm nhiễm vi nhựa lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm rối loạn nội tiết, viêm đường ruột và nguy cơ bệnh mãn tính.
Bác sĩ Hoàng cảnh báo nhựa polystyrene (nhựa PS) thường chứa styrene – một hợp chất hóa học dạng lỏng, không màu, dễ bay hơi và có mùi thơm nhẹ. Styrene được xếp vào nhóm chất gây ung thư 2B, theo đánh giá của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC).
Ngoài ra, hai hợp chất hữu cơ là BPA và phthalates có trong nhựa cũng có thể ảnh hưởng đến nội tiết và sự phát triển thần kinh ở trẻ em.
Cách giảm thiểu vi nhựa
Theo chuyên gia, để hạn chế tiếp xúc và tiêu thụ vi nhựa, mọi người cần lưu ý 3 điều sau:
- Nên hạn chế dùng đồ nhựa để hâm nóng hoặc nấu thức ăn, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều dầu, trong lò vi sóng. Thay vào đó, mọi người nên sử dụng hộp đựng bằng chất liệu khác như thủy tinh, gốm khi quay lò vi sóng để đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm nguy cơ phơi nhiễm vi nhựa.
- Không tái sử dụng các loại hộp nhựa dùng một lần để đựng thực phẩm.
- Lựa chọn các vật liệu an toàn hơn để chứa đựng đồ ăn.