Càng 'đào' Pi, càng thất vọng

Từng kỳ vọng giá Pi Network sẽ tăng mạnh sau khi niêm yết, nhưng nhiều người sở hữu Pi rơi vào thất vọng khi chứng kiến giá đồng tiền số này liên tục suy giảm mạnh sau khi đạt đỉnh là 3 USD.
Tính đến chiều 5-5, giá đồng tiền ảo Pi trên sàn giao dịch chỉ còn hơn 0,59 USD, tiếp đà suy giảm liên tục nhiều tuần gần đây. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đông đảo người sở hữu Pi bày tỏ sự thất vọng với xu hướng liên tục giảm của đồng tiền ảo này, thậm chí bày tỏ lo ngại giá đồng Pi tiếp tục giảm sâu, nhưng cũng có nhiều người hy vọng "ngày nắng sẽ về lại".
Kỳ vọng bao nhiêu, thất vọng bấy nhiêu
Theo đuổi "đào" Pi từ những ngày đầu, anh T.M. (TP.HCM) từng rất kỳ vọng sau khi lên sàn đồng Pi sẽ đem lại lợi nhuận cho những người như anh.
"Tôi đã đào Pi hơn 5 năm, có tìm hiểu các thông tin đầy đủ và liên tục về Pi ngay từ những ngày đầu. Tôi đã rất vui mừng khi Pi được niêm yết lên sàn giao dịch với giá 3 USD/đồng. Tuy nhiên sự giảm giá liên tục mấy tháng gần đây khiến tôi rất thất vọng", anh T.M. chia sẻ.
Tương tự, anh H.Lê (TP.HCM) cũng cho biết đang có trong tay hơn 15.000 Pi, nếu nhân với con số 3 USD giá trị lúc đạt đỉnh, anh đã có thể kiếm được đến 45.000 USD (khoảng 1,16 tỉ đồng). Thế nhưng việc đội ngũ Pi chỉ cho mainnet (tạm dịch: mở khóa) nhỏ giọt khiến giá trị lao dốc thê thảm. "Đến khi họ cho mainnet hoàn toàn, chắc đồng Pi chẳng còn giá trị gì nữa", anh Lê bày tỏ sự thất vọng.
Theo thống kê trên các sàn giao dịch tiền điện tử, vào thời điểm đạt giá trị 3 USD hồi cuối tháng 2-2025, Pi có tổng vốn hóa trên thị trường đến 19 tỉ USD, nhưng vốn hóa tại thời điểm này chỉ còn hơn 4,2 tỉ USD. Sự sụt giảm này không chỉ làm thất vọng cộng đồng Pi mà còn khiến niềm tin vào tương lai của Pi lung lay mạnh.
"Tôi không còn niềm tin đồng Pi sẽ tăng giá lại sau nhiều việc không rõ ràng mà đội ngũ Pi đang làm với cộng đồng. Cũng may tôi đã kịp bán đi một ít. Giờ tôi chỉ chờ mở khóa số còn lại là bán sớm, kẻo nó về 0 thật", anh Hoàng (TP.HCM, đang sở hữu gần 2.000 Pi) cho biết.
Cũng có không ít người vẫn nuôi hy vọng đồng Pi sẽ lại tăng giá trở lại. "Việc Pi được niêm yết đã là một bước phát triển lớn rồi so với lúc phong trào đào Pi diễn ra sôi nổi tại Việt Nam. Bitcoin cũng từng có thời điểm lao dốc rất nặng nề. Tôi nghĩ cứ để đó chờ đến khi Pi được mở khóa hoàn toàn, giá trị chắc chắn sẽ lên cao lại thôi", chị T.A. (TP.HCM) kỳ vọng.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trên nhiều hội nhóm liên quan Pi trên mạng xã hội, những lời động viên về một tương lai tươi sáng trở lại của đồng Pi liên tục được nhiều thành viên thi nhau chia sẻ. Bên cạnh đó là hàng loạt lời mời xác thực chéo hay lời rao quảng cáo dịch vụ thu mua Pi chuyển tiền ngay lập tức của nhiều cá nhân. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người chơi Pi lâu năm, phần nhiều lời rao thu mua là lừa đảo.
Pi ngày càng làm người chơi mất niềm tin
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Andrew Hong, trưởng phòng phân tích dữ liệu tại Thư viện Dữ liệu toàn diện về blockchain tại Việt Nam - GFI Research, cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc giá trị đồng Pi không những không phục hồi theo thị trường chung mà còn giảm trong thời gian qua.
Đầu tiên là nguồn cung "mới" của Pi liên tục tăng khiến nhà đầu tư lưu ý về áp lực bán có thể tiếp tục kéo dài. Cụ thể, chỉ riêng tháng 4-2025 đã có hơn 21 triệu Pi được mở khóa, tạo áp lực bán lớn, trong khi cầu không đủ mạnh. Vì vậy áp lực bán từ nhiều người khai thác Pi từ giai đoạn đầu đang chốt lời khi đồng coin này được phép giao dịch, khiến giá bị đẩy xuống.
Thứ hai, Pi chưa được niêm yết trên các sàn lớn như Binance hay Coinbase làm hạn chế tính thanh khoản và niềm tin từ thị trường, nhà đầu tư cần đánh giá rủi ro thanh khoản trước khi tham gia. Cuối cùng, dự án thiếu cập nhật rõ ràng, lộ trình phát triển chưa cụ thể và các ứng dụng thực tế còn mờ nhạt.
Đây là điểm nhà đầu tư nên theo dõi sát sao để đánh giá tiềm năng thực tế của dự án. Trong khi các đồng coin lớn như BTC, ETH được hưởng lợi từ đà tăng chung và kỳ vọng vĩ mô tích cực (ETF, giảm lãi suất...), Pi lại bị bán tháo do tâm lý thất vọng và thiếu động lực tăng giá bền vững.
"Thị trường đang thể hiện sự nghi ngờ ngày càng lớn vào khả năng hiện thực hóa giá trị của Pi. Mặc dù mainnet đã "mở một phần", nhưng hầu như không có ứng dụng nổi bật hoặc dòng tiền thực sự chứng minh được giá trị nội tại. Nhiều nhà đầu tư cho rằng dự án thiếu minh bạch khi liên tục trì hoãn việc mở mạng hoàn toàn, không công bố rõ lộ trình phát triển hoặc các đối tác chiến lược thực sự", ông Andrew Hong nhận xét.
Chuyên gia của GFI Research còn cho biết cộng đồng đang bắt đầu phản ứng tiêu cực với Pi. Một số nhóm người dùng lớn thậm chí kêu gọi tẩy chay nếu dự án không minh bạch hơn.
Trong khi đó, sự thiếu vắng của các DApp (ứng dụng phi tập trung chạy trên mạng lưới blockchain) hữu ích, thanh khoản kém và việc nhiều người chỉ quan tâm "bán ra khi có giá" càng khiến thị trường tin rằng Pi chưa tạo được giá trị thực.
"Niềm tin giảm dẫn đến tâm lý bán tháo, làm giá giảm sâu và kéo theo vòng xoáy mất giá trị - mất niềm tin", ông Andrew Hong cho biết.