Cần ứng dụng cảnh báo thiên tai lập tức đến người dân

Với thực tế như cơn bão số 3 vừa diễn ra, chúng ta có thể tận dụng dữ liệu lớn ra sao để dự báo thiên tai và cảnh báo kịp thời cho người dân?
Chia sẻ tại tọa đàm "Chuyển đổi số - cầu nối sống còn của chính quyền địa phương 2 cấp" do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng 24.7, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam, dẫn ví dụ sử dụng dữ liệu lớn cảnh báo thiên tai từ cơn bão số 3 (Wipha).
Theo ông Đồng, trong tuần qua, 2 ứng dụng được tải về nhiều nhất trên kho ứng dụng của Việt Nam là 2 ứng dụng liên quan đến cảnh báo thời tiết, bởi vì trong các giai đoạn thiên tai, nhu cầu thông tin của người dân về thời tiết là rất lớn.
"Các ứng dụng như vậy có thể chuyển tải ngay lập tức cảnh báo, ví dụ như vị trí của tôi ngồi đây có bị ảnh hưởng bởi thiên tai không? Ô tô đỗ ngoài kia có phải là điểm ngập nước hay không? Khi tôi đi du lịch có bị giông, lốc không?", ông Đồng nêu.
Tại Mỹ, thị trường dự báo thời tiết khoảng hơn 10 tỉ USD/năm và có những doanh nghiệp rất lớn để vận hành. Ở Việt Nam, có những thành phố, địa phương đã làm rất tốt như Huế kết nối thông tin dự báo qua hệ thống ứng dụng Huế S hoặc các trang thông tin điện tử cập nhật gần như tức thời cho người dân về tình trạng thiên tai, lũ lụt.
Theo ông Đồng, trong giai đoạn tới, với sự phát triển của các ứng dụng như VNeID, có thể cập nhật tức thời cũng như thông qua hệ thống tin nhắn điện thoại để chuyển dữ liệu cảnh báo đến người dân.
Chia sẻ thêm về các vướng mắc thủ tục trong quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Đức Long cho biết có nhiều điểm tồn tại, dù "không phải vấn đề lớn", nhưng do trong quá trình chuyển đổi chưa đủ thời gian để làm.
Ông ví dụ, việc cấu hình các thủ tục hành chính do thời gian gấp, các thủ tục hành chính di chuyển từ các huyện về tuyến xã; 28 nghị định, các thủ tục hành chính từ các bộ, ngành chuyển về địa phương "chưa chuẩn, chưa tốt", các quy trình nội bộ chưa đáp ứng sẽ tiếp tục được hoàn thiện.
Hoặc khi triển khai các biểu mẫu điện tử, do thời gian nhanh nên "chưa chuẩn chỉ" cũng phải làm lại. Nhiều địa phương cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Khi nhập nhiều xã lại thành một xã, cơ sở vật chất ở đó cũng không đáp ứng cho yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Bộ KH-CN cũng cho biết, lực lượng cán bộ chuyển xuống xã triển khai giải quyết thủ tục hành chính thì năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính cũng chưa đủ. Hoặc khi nhập tỉnh, dữ liệu của các xã, các địa phương kết nối cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông.
Tại các bộ, ngành đang tồn tại vấn đề như chữ ký số chưa cung cấp đầy đủ, vì vậy cán bộ công chức không thể thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số. Quá trình triển khai 2 cấp cũng cho thấy một số hệ thống thông tin của các bộ, ngành có vấn đề. Chưa kết nối, chưa cung cấp đầy đủ thông tin để địa phương có thể sử dụng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, dẫn đến ách tắc.
Bộ KH-CN sẽ tham mưu Chính phủ họp, đánh giá lại 25 nhóm tồn tại để giải quyết. Đến cuối năm, cơ bản sẽ đảm bảo được việc liên thông đồng bộ và giải quyết hiệu quả việc chuyển đổi số để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Khi đó, người dân thực sự sẽ được hưởng lợi, được sử dụng các tiện ích của chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính.