Nhảy đến nội dung

Cần sớm gỡ nút thắt cảng cá

Do một số cảng cá chưa đảm bảo hạ tầng nên hàng trăm tàu đánh bắt hải sản xa bờ của tỉnh Quảng Ngãi không thể vào neo đậu, bán sản phẩm. Trong khi đó, theo luật Thủy sản năm 2017, tàu cá dài từ 15 m trở lên đi đánh bắt xa bờ buộc phải vào các cảng được chỉ định.

Nghịch lý nói trên đang gây khó khăn cho hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ. Không vào được cảng cá và cửa biển truyền thống, các tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi phải "ăn nhờ" các cảng cá ngoài tỉnh. Thực trạng này không chỉ gây trở ngại cho công tác quản lý của cơ quan chức năng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.

"THUA" TRÊN CỬA BIỂN QUÊ NHÀ

Mùa trăng tháng 4 (âm lịch) năm 2025, hàng chục tàu câu mực của ngư dân xã Bình Chánh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) trở về đất liền sau 3 tháng lênh đênh trên biển. Tuy nhiên, hiện nay tàu câu mực không thể về cửa biển Sa Cần (H.Bình Sơn) để neo đậu, mà phải vào cảng cá Kỳ Hà ở H.Núi Thành (Quảng Nam) để bán mực, sau đó ngư dân mới được về nhà.

Ông Nguyễn Vỹ (56 tuổi, ở xã Bình Chánh), chủ kiêm thuyền trưởng tàu câu mực QNg 95811 TS, cho biết tàu của ông có công suất 1.100 CV, dài 24 m, trở về sau phiên biển đầu tiên trong năm với hơn 30 tấn mực xà, phải vào cảng cá Kỳ Hà để bán. Nếu trước đây tại cửa biển Sa Cần, chỉ sau 2 giờ là bán xong mực thì ở cảng cá Kỳ Hà phải mất 7 giờ mới xong.

Nguyên nhân chậm trễ, theo ông Vỹ, là do mực để trong hầm tàu nên phải gỡ thuyền thúng ra mới có thể lấy mực đi cân ký, mà ở cảng cá Kỳ Hà thì không thể tháo và thả thúng chai xuống nước vì rất kềnh càng, ảnh hưởng đến việc di chuyển của các tàu cá khác. Do đó, ngư dân phải đưa thúng lên bờ rồi mới quay lại lấy mực mang bán tại cảng. "Mà tàu cá của tôi có đến 45 chiếc thúng chai lớn chứ ít đâu", ông Vỹ cho biết.

Và chỉ cần 2 tàu câu mực cùng vào cảng cá Kỳ Hà để bán mực xà (tổng cộng khoảng 60 tấn) thì phải mất 1 ngày. Còn gặp lúc hàng trăm tàu câu mực của H.Bình Sơn và H.Núi Thành cùng vào bờ, cảng cá Kỳ Hà sẽ "vỡ trận", phải chờ đợi 4 - 5 ngày mới bán được mực.

"Ngư dân tụi tui đi một lèo 3 tháng trên biển nên khi cập bờ, ai cũng muốn nhanh về thăm nhà. Vậy mà vào đến bờ rồi lại phải chờ thêm 4 - 5 ngày nữa, ai cũng bức xúc", ngư dân Bùi Văn Thân (ở xã Bình Chánh) chia sẻ.

Về việc vì sao tàu cá không thể về neo đậu và bán sản phẩm ở cửa Sa Cần, theo ngư dân xã Bình Chánh, là do theo quy định hiện nay, tàu cá xa bờ phải về cảng chỉ định (cảng loại 1 và 2). Trong khi đó, cửa Sa Cần không phải cảng loại 2 nên không có ban quản lý cảng cá, không ai có thể xác nhận nhật ký hành trình tàu đánh bắt xa bờ và thực hiện các thủ tục khác theo luật Thủy sản để xuất bán hải sản. Chính vì thế, tất cả tàu câu mực và tàu đánh cá xa bờ khác ở vùng cửa biển Sa Cần phải đến cảng cá Kỳ Hà xuất bán hải sản.

Ngoài cửa Sa Cần, ở H.Bình Sơn còn có cảng Sa Kỳ là cảng cá loại 2 nhưng tàu câu mực cũng không thể vào đây. Theo giải thích của ngư dân, tàu câu mực có bề ngang từ 7 - 10 m, dài 24 m, khi lắp thêm 2 giàn phơi mực thì bề ngang có thể lên đến 21 - 24 m, dài 30 m. Trong khi đó, luồng vào cảng cá Sa Kỳ lại hẹp, chỉ cần 2 tàu câu mực vào là lấp hết. Chưa kể, khi vào sẽ va chạm với tàu cá khác, gây ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, hàng trăm tàu câu mực (45 - 50 lao động/tàu) ở Quảng Ngãi phải "ăn nhờ" cảng cá Kỳ Hà.

CẢNG CÁ CHƯA ĐÁP ỨNG

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (chưa kể đảo Lý Sơn) có các cửa biển truyền thống được ngư dân khai thác để neo đậu, ra khơi gồm: cửa Sa Cần, cửa Đại, cửa Sa Kỳ, cửa Mỹ Á và cửa Sa Huỳnh.

Theo luật Thủy sản năm 2017, tàu cá đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên phải quay về cảng chỉ định (cảng cá loại 1 và 2) để làm các loại thủ tục theo quy định mới được xuất bán hải sản. Thế nhưng hiện ở Quảng Ngãi chỉ có 2 cảng cá Tịnh Kỳ và Sa Huỳnh là tàu xa bờ có thể về được, còn cửa Mỹ Á, cửa Đại và cửa Sa Cần tuy có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhưng lại không thể quay về neo đậu, bán sản phẩm, mà phải tìm cảng cá khác trong và ngoài tỉnh, gây nhiều bức xúc, tốn kém chi phí cho ngư dân.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết ngư dân ở các cửa biển Sa Cần, Mỹ Á bị thiệt thòi nhiều năm nay nhưng nếu cho ngư dân đưa tàu cá vào đây neo đậu, bán sản phẩm thì sai với luật Thủy sản năm 2017. "Hiện nay đang triển khai chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); triển khai quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng; xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật. Do vậy, tất cả tàu xa bờ phải đi vào cảng cá chỉ định", ông Trung nói.

Theo ông Trung, ở vùng cửa Sa Cần có 72 tàu câu mực và các tàu cá khác đang gặp khó khăn do chưa có cảng cá và cảng lưu trú. Mặc dù ngư dân nhiều lần kiến nghị nhà nước đầu tư, nâng cấp cảng Sa Cần để tạo điều kiện cho tàu cá ra vào, nhưng việc này cần kinh phí lớn và theo quy hoạch của T.Ư. Dự kiến đến năm 2030 mới đầu tư xây dựng cảng này. Để đạt cảng cá loại 2, kinh phí đầu tư phải từ 400 - 500 tỉ đồng.

Cũng theo ông Trung, việc đầu tư cho cảng cá Sa Cần là chính đáng nhưng hiện nay, vùng cảng Sa Cần vẫn chưa được công bố mở cảng cá loại 2 nên chưa thành lập ban quản lý cảng cá để xác nhận cho tàu cá xuất, nhập bến, bán sản phẩm.

Nói về các cảng cá hiện nay, ông Trung cho biết tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch 9 cảng: 2 cảng loại 3, 4 cảng loại 2, còn lại là loại 1. Với cảng loại 1, tỉnh Quảng Ngãi đang đầu tư xây dựng cảng cá Sa Huỳnh và cảng cá Tịnh Hòa, đến năm 2030 sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên đó là trong tương lai còn hiện tại, với cảng cá loại 2 (Tịnh Kỳ và Sa Huỳnh), về nguyên tắc là đạt nhưng hạ tầng lại chưa đạt, chưa đáp ứng theo tiêu chí cảng cá loại 2. Tại cảng cá Sa Huỳnh, ban quản lý cảng không quản lý hậu cần nghề cá mà lại do P.Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) quản lý. Còn cảng cá Tịnh Kỳ chưa đáp ứng được tiêu chí 70% cơ giới hóa, hạ tầng đồng bộ về kết nối cảng, phương tiện cùng các loại dịch vụ…

Quảng Ngãi hiện có đội tàu cá hùng hậu hàng đầu miền Trung, với 4.981 tàu từ 6 m trở lên, trong đó, tàu đánh bắt xa bờ (có chiều dài từ 15 - 24 m) là 2.889 chiếc, từ 24 m trở lên là 160 chiếc. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Quảng Ngãi, do điều kiện các cảng neo đậu và cảng cá như nói trên nên có khoảng 40% tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh phải đi vào các cảng ngoài tỉnh để neo đậu, bán sản phẩm. Trong đó, không ít tàu nhiều năm không quay về các cảng ở Quảng Ngãi, gây khó cho công tác quản lý tàu thuyền cũng như ảnh hưởng các dịch vụ hậu cần nghề cá, mưu sinh của người dân ở các cảng này. (còn tiếp)

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn