Nhảy đến nội dung

Cần quy định rõ trường hợp nào được vay lãi suất đặc biệt 0%, tránh trục lợi

ĐBQH cho rằng cần quy định rõ trường hợp nào được vay lãi suất đặc biệt 0%, tránh trường hợp trục lợi trong khi ngân sách còn nhiều khoản phải lo.

NHNN cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm để bảo vệ người gửi tiền

Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) đang được thảo luận tại Quốc hội có nội dung điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng “Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm”.

Thảo luận tại tổ chiều 20/5, ĐBQH Phạm Đức Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nguyên Chủ tịch HĐTV Agribank - cho rằng việc giao thêm thẩm quyền cho NHNN trong cho vay đặc biệt mục tiêu cuối cùng vẫn là bảo vệ người gửi tiền, tránh gặp những bất ổn, hoảng loạn, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống.

Theo ông Ấn, nếu một TCTD rơi vào tình trạng phải cần đến NHNN cho vay đặc biệt, việc cho vay với lãi suất 0%/năm sẽ giúp TCTD đó sớm ổn định để quay lại hoạt động bình thường.

Do vậy, dự thảo đã sửa lại theo hướng giao NHNN quyết định cho vay đặc biệt và không có tài sản bảo đảm, áp dụng lãi suất bằng 0%/năm. 

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), việc chuyển thẩm quyền cho vay lãi suất đặc biệt từ Thủ tướng cho NHNN là phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền.

Tuy nhiên, để tránh trục lợi chính sách với trường hợp chưa tới mức phải vay lãi suất 0%/năm, ông Cường đề nghị bổ sung tiêu chí, điều kiện vay. Cùng với đó, cần phân định rõ trách nhiệm của NHNN trong việc kiểm soát dòng tiền để không bị rủi ro.

"Ngân hàng Nhà nước được trao thêm quyền quyết định, trách nhiệm đi kèm cũng phải tăng lên", ông Cường nói.

Ông Cường kiến nghị bổ sung mức trần khoản vay lãi suất đặc biệt 0%/năm, trách nhiệm các bên trong đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng, quyền lợi người gửi tiền.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng việc ra quyết định cho vay lãi suất 0%/năm có thể cảm tính nếu dự luật không nêu rõ tiêu chí, điều kiện tổ chức tín dụng được vay.

Trong khi đó, đại biểu Quản Minh Cường (Cao Bằng) lưu ý cần làm rõ nguồn vốn cho vay được lấy từ ngân sách hay từ ngân hàng thương mại. Ông Cường kiến nghị nên dùng ngân sách nhà nước thay vì dùng nguồn lực của các ngân hàng thương mại, tránh làm khó cho các ngân hàng.

'Nguyên tắc cao nhất là có vay có trả'

Về việc luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội bằng việc bổ sung 3 điều vào Điều 198 về Quyền thu giữ Tài sản bảo đảm; Kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu; Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự... , ĐBQH Phạm Đức Ấn cho rằng đây không phải là một sự “ưu ái” cho TCTD mà vì lợi ích người gửi tiền.

“Chúng ta xác định TCTD là một trung gian tài chính, đi vay để cho vay. Mà vay ở đây phần lớn là từ người dân, vì vậy khoản cho vay cần được thu hồi để trả cho người dân và tiếp tục quay vòng cho các khách hàng khác có nhu cầu. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của TCTD cũng có nghĩa là bảo vệ lợi ích của người gửi tiền”, ông Ấn nêu quan điểm.

“Hơn nữa, người đi vay, người bảo lãnh phải nhận thức đầy đủ khi dùng tài sản của mình để thế chấp, bởi vì nguyên tắc cao nhất là có vay phải có trả. Khi chúng ta có quan điểm rõ ràng về chuyện này, không có nguồn nào để trả nợ thì phải chấp nhận cho TCTD thu hồi tài sản bảo đảm”, ông Ấn nói thêm.

Với việc luật hóa Nghị quyết 42, người có tài sản bảo đảm sẽ nhận thức được nghĩa vụ bàn giao, tránh được các thủ tục tố tụng, cũng như không mất thời gian cho việc thi hành án.

Với quan điểm của một người từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, ông Phạm Đức Ấn cho rằng khi TCTD thu hồi được nợ xấu sẽ không phải trích lập dự phòng, như vậy sẽ có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay. 

“Do vậy việc này có lợi cho cả xã hội”, ông Ấn khẳng định.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ lo ngại khi phạm vi, điều kiện thu giữ của TCTD, cũng như vai trò của cơ quan nhà nước chưa được nêu rõ tại dự luật.

Vì vậy, ông Hùng đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm phối hợp của các bên trong xử lý, trình tự, biện pháp thu giữ tài sản cần công khai, minh bạch. Việc này để tránh việc các tổ chức tín dụng lạm dụng quyền thu giữ tài sản, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người vay.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn