Nhảy đến nội dung

'Cần nhìn lớn, nhìn xa hơn để phát triển ngành công nghiệp dược liệu'

Đó là ý kiến của Phó thủ tướng Lê Thành Long tại hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án 'Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực'.

Sáng 10.5, tại H.Duy Xuyên, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28.2.2025 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực" (gọi tắt là Đề án).

Tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Phát triển theo hướng hiện đại, gắn với nghiên cứu khoa học

Tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng vùng Duyên hải miền Trung - Tây nguyên có nhiều loại dược liệu quý có giá trị kinh tế và y tế, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Đây là loại sâm có giá trị y học và tiềm năng kinh tế rất lớn, động lực phát triển công nghiệp dược liệu.

Việc mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu quý theo tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu) kết hợp bảo tồn rừng, phát triển du lịch dược liệu giúp bảo vệ nguồn gen quý hiếm, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, phát triển các trung tâm công nghiệp dược liệu theo hướng hiện đại gắn với nghiên cứu khoa học, chế biến sâu và xây dựng thương hiệu là hướng đi cấp thiết.

Để biến tiềm năng thành hiện thực, ông Tuyên đề nghị cần có một trung tâm công nghiệp dược liệu với quy mô lớn, hiện đại, đảm bảo chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu - nuôi trồng - chế biến sâu - thương mại hóa.

Việc xây dựng phát triển, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam giúp nâng cao vị thế ngành dược liệu Việt Nam, tạo tiền đề để miền Trung - Tây nguyên trở thành vùng sản xuất và xuất khẩu dược liệu hàng đầu khu vực.

'Những gì làm được cần phải làm ngay!'

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng về phát triển cây dược liệu với diện tích đất tự nhiên gần 1.100 ha, hệ động thực vật phong phú. Theo kết quả điều tra vào năm 2002, toàn tỉnh ghi nhận 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc (trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong "Sách đỏ Việt Nam"), mới đây phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam.

Tỉnh Quảng Nam xác định phát triển dược liệu là một trong những mũi nhọn đột phá. Để triển khai hiệu quả Đề án, tỉnh sẽ tập trung rà soát, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết "nút thắt" về cơ chế, chính sách và đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù, vượt trội...

Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các cơ sở khoa học để tạo ra dược phẩm, thực phẩm chức năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. "Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cam kết chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai", ông Triết nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Thành Long đánh giá dược liệu là nguồn tài nguyên quý và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Phó thủ tướng cho rằng Đề án là "cú hích", là điểm khởi đầu và còn nhiều việc phải làm, phải có kế hoạch rõ ràng. Quảng Nam có thế mạnh riêng khi có tới 36 cây thuốc nằm trong Sách đỏ Việt Nam và cả địa danh "thủ phủ" sâm Ngọc Linh.

"Chúng ta đặt ra rất nhiều kỳ vọng với Đề án này, mục tiêu phát triển mạnh ngành công nghiệp dược liệu tỉnh Quảng Nam cũng như khu vực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội", Phó thủ tướng nói.

Để Đề án đi vào thực tiễn, Phó thủ tướng cho rằng cần phải có sự chủ động, phối hợp giữa các tỉnh lân cận để nhìn lớn, nhìn xa hơn...

Phó thủ tướng yêu cầu phải triển khai sớm những nội dung đã ký kết giữa các doanh nghiệp với tỉnh Quảng Nam tại hội nghị, những gì làm được phải làm ngay.

"Hội nghị hôm nay là bước khởi đầu, nhưng đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển dược liệu của Việt Nam nói chung và Quảng Nam cũng như các tỉnh trong khu vực cận kề nói riêng. Tôi tin tưởng rằng với khí thế, quyết tâm, trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay cùng với sự đồng hành của Chính phủ, sẽ biến Đề án này thành hiện thực, đưa tỉnh Quảng Nam thành trung tâm dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực", Phó thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Dịp này, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác và thỏa thuận nghiên cứu khảo sát đầu tư với nhiều doanh nghiệp.