Nhảy đến nội dung

Căn hầm 'bí ẩn' từng bị lãng quên gần 40 năm trong khách sạn 5 sao ở Hà Nội

Cạnh hồ bơi của khách sạn 5 sao lâu đời bậc nhất Thủ đô có một cầu thang nhỏ, dẫn xuống căn hầm tránh bom nằm sâu dưới mặt đất.

Bước qua cánh cửa hầm rỉ sét, du khách như trở về nửa thế kỷ trước, trải nghiệm cảm giác trú ẩn trong không gian nhỏ hẹp, cũ kỹ, ngột ngạt và thoang thoảng mùi ẩm mốc. Nơi đây khác xa với khuôn viên khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội sang trọng, hiện đại phía trên.

Bà Thanh Huyền là nhân viên khách sạn, đảm nhận công việc "kể chuyện lịch sử" cho du khách đã nhiều năm nay.

Trước khi vào hầm, bà Huyền hướng dẫn du khách đội mũ cối, di chuyển chậm rãi, chú ý an toàn vì trần hầm rất thấp, dễ xảy ra va chạm. Bởi vậy, nhiều vị khách châu Âu khi vào hầm phải cúi đầu, đi lom khom.

Bà Huyền giới thiệu, khách sạn được xây dựng từ năm 1901 nhưng không ai rõ căn hầm hình thành chính xác từ khi nào. Sau năm 1975, hầm bị bịt kín và lãng quên. Tới 2011, hầm được nhóm công nhân cải tạo quán bar của khách sạn phát hiện. 

Giám đốc khách sạn khi đó là ông Kai Speth đã lập tức cho cải tạo với mục tiêu biến căn hầm thành một "bảo tàng". Phía khách sạn liên hệ những nhân viên, vị khách cũ để thu thập thông tin, tư liệu lịch sử về căn hầm "bí ẩn".

Nơi đây được bảo tồn nguyên vẹn với 6 cửa sắt, hai cửa gỗ, các nắp thông hơi, ống thông khí, bảng điện và bóng đèn.  

Năm 2012, khách sạn mở tour giới thiệu lịch sử và đưa du khách lưu trú tham quan căn hầm. Các tour này được tổ chức hằng ngày vào lúc 17h và 18h. 

"Dù được phát hiện đã nhiều năm, hầm tránh bom này vẫn là 'ẩn số' bởi khách sạn chỉ mở cho khách lưu trú xuống tham quan và mỗi tour tối đa 10 người. Khách sạn muốn đảm bảo việc bảo tồn căn hầm", bà Huyền cho biết.

Hầm có 4 căn phòng khác nhau với sức chứa khoảng 50 người. Nằm sâu dưới lòng đất, hầm chịu được sự công phá từ những quả bom hạng nặng.

Theo tài liệu khách sạn thu thập, đây từng là nơi tránh bom của nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới khi tới Việt Nam làm việc và lưu trú tại khách sạn từ 1960-1973, trong đó có diễn viên Jane Fonda, nhà hoạt động chống chiến tranh Tom Hayden, ca sĩ Joan Baez...

Một số nhân vật đã trở lại khách sạn để thăm căn hầm và kể những câu chuyện đặc biệt diễn ra tại đó.

Năm 1965, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đầu năm 1968, Mỹ leo thang đánh phá tất cả các cơ sở công nghiệp của miền Bắc, đánh vào Hà Nội, Hải Phòng với mức độ ác liệt và quy mô lớn hơn.

"Những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, người dân Hà Nội không thể nào quên tiếng báo động: 'Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội... cây số về phía Tây. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn. Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý'.

Những nhân viên khách sạn ở thời điểm đó cho biết, khi tiếng loa báo động vang lên, họ nhanh chóng hướng dẫn các vị khách di chuyển xuống hầm. Có ngày, khách và nhân viên phải xuống hầm nhiều lần, thậm chí ở qua đêm. Căn hầm được xây dựng rất kiên cố nhưng trong những trận bom lớn, hầm vẫn rung lên", bà Huyền kể với du khách.

Bước vào căn phòng cuối trong hầm (tính từ cửa lên xuống phía hồ bơi), bà Huyền bật chiếc loa nhỏ.

Tiếng còi báo động không kích, tiếng bom rơi inh tai, tiếng một bà mẹ gọi tên con sau trận bom dội xuống Hà Nội và giai điệu ca khúc ''Where are you now, my son?'' (tạm dịch: Con ơi, giờ con ở đâu?) của Joan Baez vang lên giữa không gian tĩnh lặng. 

"Khi ca khúc cất lên, nhiều vị khách đã rơi nước mắt, thậm chí ôm chầm lấy tôi vì xúc động. Họ cảm nhận được sự mất mát quá to lớn của cuộc chiến nhưng cũng rất ngưỡng mộ sự kiên cường của người dân Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung", bà Huyền chia sẻ.

Tại căn phòng cuối cùng trong hầm có treo hình ảnh của Joan Baez trong chuyến trở lại đây vào năm 2013. Bà không chỉ là một ca sĩ/nhạc sĩ mà còn là một nhà hoạt động vì hòa bình. 

Năm 1972, bà đến Hà Nội và lưu trú tại khách sạn này. "13 ngày ở Hà Nội thì có đến 11 ngày hứng bom", Joan Baez nhớ lại trong hồi ký của mình.

Bà đã tới tới Khâm Thiên, chứng kiến sự đau khổ của những người mẹ mất con, cảnh tượng đổ nát vì chiến tranh. Trong thời gian ở Hà Nội, ngoài những hình ảnh ghi nhận được, Joan Baez còn thu âm thanh của thành phố trong những ngày khốc liệt.

Một phần trong số ấy được bà đưa vào album ''Where are you now, my son?'', với mong muốn nhiều người hiểu hết sự đáng sợ của chiến tranh.

Năm 2013, khi trở lại căn hầm trú bom của khách sạn, bà chạm tay vào bức tường xi măng, nhắm mắt để tĩnh tâm rồi hát bài dân ca của người Mỹ gốc Phi "Ôi tự do!". Nhiều kỷ niệm đặc biệt về khách sạn và căn hầm đã được bà kể lại.

Mới đây khách sạn cũng đón ông Uzaki Makoto, cựu phóng viên của hãng truyền hình Nihon Denpa News (NDN) của Nhật Bản, người đã lưu trú tại khách sạn từ năm 1971 đến năm 1974 để đưa tin về chiến tranh tại miền Bắc Việt Nam.

Ông Uzaki đã trở lại căn hầm, nơi ông trú ẩn cùng Joan Baez năm 1972 trong các cuộc không kích Hà Nội. 

Năm 2013, hầm tránh bom của khách sạn được trao giải danh dự về bảo tồn di sản văn hóa.

Hội đồng giám khảo đánh giá cao việc bảo tồn và khôi phục căn hầm tránh bom bị lãng quên trong nhiều thập kỷ. Những hiện vật tìm thấy trong hầm được khách sạn lưu giữ và trưng bày ngay ở sảnh chính.

Tại khách sạn cũng còn lưu giữ tài liệu lịch sử về những vị khách nổi tiếng, nguyên thủ quốc gia từng tới đây lưu trú.