Cán bộ đến tận nhà dân lấy ý kiến TP.HCM về đổi tên đường bị trùng

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều khu phố và đường bị trùng tên, gây khó khăn trong công tác quản lý, người dân khó nhận diện vị trí địa lý.
Ngày 14/7, theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, các phường, xã tại TP.HCM khu vực Bình Dương cũ đồng loạt cử cán bộ đến tận từng nhà để phát phiếu, lấy ý kiến người dân về việc đổi tên khu phố. Việc này nhằm đảm bảo cho hoạt động khu phố phù hợp mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập, tránh trùng tên, gây khó khăn trong công tác quản lý và người dân khó nhận diện vị trí địa lý.
![]() |
Người dân ở phường Bình Dương (TP.HCM) điền thông tin vào phiếu lấy ý kiến về việc đặt lại tên khu phố. |
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Chí Thành, Chủ tịch UBND phường Bình Dương (TP.HCM), cho biết sau khi sáp nhập từ các phường khác, trên địa bàn có nhiều tên khu phố bị trùng. Việc trùng tên khu phố gây ra một số khó khăn nhất định. Do đó, phường Bình Dương đã phát phiếu đến từng hộ dân để lấy ý kiến về việc đặt, đổi tên khu phố.
“Việc đổi tên khu phố, phường đang làm theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và công văn của Sở Nội vụ. Phường tham khảo ý kiến của giới tri thức, cán bộ hưu trí, người cao tuổi và nhân dân trước khi chọn tên để đặt”, lãnh đạo phường Bình Dương chia sẻ.
![]() |
Cán bộ khu phố đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến. |
Theo ghi nhận, các phường, xã trên địa bàn Bình Dương cũ bắt đầu triển khai phát phiếu lấy ý kiến người dân từ ngày 12/7.
Ông Phạm Minh Thiện, Chủ tịch UBND phường Chánh Hiệp (TP.HCM), cho biết phường đã bố trí nhân sự đến tận từng nhà để phát phiếu, lấy ý kiến người dân về việc đổi tên khu phố, tránh trùng lặp sau khi sáp nhập.
“Sau khi hoàn tất lấy ý kiến, phường sẽ tổ chức cuộc họp với các khu phố để tiếp tục bàn, thống nhất tên gọi”,ông Thiện cho hay.
“Tôi thấy phấn khởi khi nhận được tờ phiếu lấy ý kiến về việc đổi tên khu phố. Tôi thấy, việc lấy ý kiến đại diện hộ gia đình cư trú về phương án đổi tên khu phố trên địa bàn, thể hiện quyền làm chủ của người dân. Qua đó, người dân có điều kiện chia sẻ tâm tư, tình cảm và đề xuất nguyện vọng chính đáng với chính quyền nhằm kịp thời điều chỉnh cho phù hợp”, bà Phượng, ngụ phường Bình Dương bày tỏ.
Cầm trên tay tờ phiếu, ông Hùng, ngụ phường Chánh Hiệp nói, kể từ khi Bình Dương cũ sáp nhập từ 91 xã, phường còn lại 36, ông thấy nhiều tên khu phố bị trùng, gây khó khăn trong việc xác định vị trí cho người nơi khác tới, thậm chí cả người ở trong phường.
"Theo tôi, tên khu phố nếu đặt lại nên áp dụng theo hướng đặt tên cho phường trước đây. Tên khu phố cũng cần lưu ý tới ý nghĩa văn hóa, lịch sử, địa lý, không phải là những con số khô khan. Cách đặt tên hay hơn nhiều so với việc dùng số thứ tự, tạo nên sự độc đáo và dễ nhớ hơn", ông Hùng nhìn nhận.
![]() |
Người dân đồng thuận việc đổi tên khu phố và tên đường bị trùng để thuận lợi trong việc nhận diện. |
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài khu phố, khu vực Bình Dương cũ còn có nhiều tên đường trùng nhau. Cụ thể, tại TP Thủ Dầu Một cũ có 2 tuyến đường cùng mang tên Hùng Vương (đường Hùng Vương ở phường Phú Cường cũ, nay là phường Thủ Dầu Một và đường Hùng Vương, phường Hòa Phú cũ, nay là phường Bình Dương). Ngoài ra, đường Hùng Vương còn có ở TP Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo, thuộc tỉnh Bình Dương cũ.
Những tuyến đường được đặt tên trùng nhiều nhất ở Bình Dương cũ như, Trần Phú, Nguyễn Du, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Trỗi... Những tên đường này có ở nhiều thành phố cũ của Bình Dương như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên.
Việc nhiều đường trùng tên được người dân quan tâm, nhất là sau khi sáp nhập với TP.HCM. “Trước đây, trong tỉnh Bình Dương cũ đã có nhiều tên đường trùng, gây khó trong việc giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, định vị, chỉ đường… Bây giờ thêm cả Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM nhiều đường trùng tên, càng thêm bất tiện”, ông Hùng (ngụ phường Phú Lợi, TP.HCM) nói và cho biết bản thân đã từng đi nhầm vì đường trùng tên.
![]() |
Đường Hùng Vương phường Thủ Dầu Một trùng với đường Hùng Vương phường Bình Dương. |
![]() |
Đường Trần Hưng Đạo được đặt trùng nhiều đường khác tại TP.HCM. |
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM cho biết trong cùng một xã, phường (sau khi sáp nhập), nếu có hai tuyến đường trùng tên nhau sẽ nghiên cứu đổi tên. Đối với các tuyến đường trùng tên nhưng khác xã, phường thì không cần phải đổi, để hạn chế sự thay đổi làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
Cũng theo vị này, trước mắt sẽ giữ nguyên hiện trạng tên đường sau khi sáp nhập, bởi lẽ việc chấp nhận cùng một tên đường ở các địa giới hành chính khác nhau là bình thường. TP.HCM sẽ khảo sát, xử lý các vấn đề bất hợp lý trong quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng khi được HĐND TP.HCM mới thông qua.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.