Cán bộ Agribank tập huấn truyền thông tại báo Tuổi Trẻ: Từ cảm tính đến chuyên nghiệp

Chiều 25-7, 55 cán bộ, chuyên viên truyền thông từ 47 chi nhánh khu vực phía Nam Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế tại tuyến metro số 1 TP.HCM.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ khóa tập huấn "Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác truyền thông", do Agribank phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức trong hai ngày 25 và 26-7.
Thay đổi tư duy, kỹ năng truyền thông
Trước đó, các học viên đã hoàn thành hai chuyên đề lý thuyết trên lớp và được hướng dẫn cách xây dựng câu chuyện bằng hình ảnh (photo story) - từ kỹ thuật chụp ảnh, bố cục, màu sắc đến cách khai thác đề tài - nhằm tạo nên những câu chuyện trực quan, sinh động về trải nghiệm metro gắn với hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
Ngay sau phần lý thuyết, các học viên được phân chia nhóm và thực hành thực tế tại tuyến metro số 1, ghi lại những khoảnh khắc và cảm nhận qua lăng kính người làm truyền thông ngân hàng.
Chị Nguyễn Thị Kim Hiền, Agribank chi nhánh Đông Sài Gòn, chia sẻ phần thực hành chụp ảnh là một trong những nội dung hữu ích nhất của buổi học.
"Trước giờ tôi chỉ chụp theo cảm tính nhưng sau buổi học, tôi biết cách chọn bố cục, xây dựng câu chuyện qua từng khung hình. Đây là kỹ năng tôi có thể áp dụng ngay trong các sự kiện, hội nghị hay bài viết nội bộ tại đơn vị", chị Hiền nói.
Chung cảm nhận đó, anh Hoàng Ân - Agribank chi nhánh Bến Thành - cho biết đây là lần đầu tham gia khóa tập huấn truyền thông tại một tòa soạn báo. Anh đánh giá cao tính thực tế của chương trình. Đặc biệt buổi thực hành chụp ảnh tại metro để lại trong anh nhiều ấn tượng khi toàn bộ kiến thức lý thuyết được áp dụng ngay vào tình huống cụ thể.
Tương tự, chị Hoàng Thị Hạnh - Agribank chi nhánh Tân Bình - cho rằng buổi học thực tế không chỉ giúp học viên vận dụng trực tiếp kiến thức lý thuyết đã học trên lớp mà còn hình thành tư duy làm nội dung bài bản và có mục tiêu rõ ràng.
Nhờ sự hướng dẫn cụ thể từ các giảng viên là nhà báo của báo Tuổi Trẻ, chị hiểu rõ hơn về cấu trúc của một sản phẩm truyền thông, từ cách xây dựng kịch bản hình ảnh, bố cục video, lựa chọn góc quay phù hợp đến việc sắp xếp nội dung theo trình tự hợp lý. Điều này giúp chị chủ động hơn khi tác nghiệp tại các hội nghị, sự kiện hay các chuyến đi công tác trong tương lai.
"Tôi đánh giá cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên và chuyên gia báo Tuổi Trẻ, họ không chỉ giàu kinh nghiệm thực tế mà còn truyền đạt sinh động, dễ hiểu, tạo được sự hứng thú cho học viên trong suốt quá trình học tập", chị Hạnh nhận xét.
Kỹ năng mới, công cụ mới, cách làm mới
Nhiều cán bộ, nhân viên đánh giá cao chương trình học "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ". Các học viên cho biết nhờ chương trình, bản thân không chỉ hiểu rõ hơn về vai trò của AI trong lĩnh vực truyền thông mà còn khám phá thêm nhiều công cụ mới mẻ, hữu ích, không chỉ là một công cụ đơn thuần như ChatGPT.
Chị Thu Cúc, Agribank chi nhánh Ninh Thuận, đánh giá cao tính thực tiễn và cập nhật của chương trình, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong truyền thông. Ngoài ra, trong lần đầu trải nghiệm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, chị Thu Cúc ấn tượng với sự hiện đại, sạch sẽ và tiện ích của công trình. Chuyến đi không chỉ mở rộng trải nghiệm thực tế mà còn gợi mở nhiều ý tưởng truyền thông mới.
Ngay sau buổi học, chị dự định sẽ tham mưu với ban lãnh đạo một số đề xuất như thiết kế các quầy dịch vụ, khu vực quảng cáo tại những điểm tiếp xúc đông người như metro nhằm tăng cường dịch vụ và quảng bá thương hiệu.
Chung cảm nhận, chị Phạm Thị Phượng - Agribank chi nhánh Tây Sài Gòn - cho rằng khóa tập huấn thực sự mang lại nhiều giá trị thiết thực cho những cán bộ truyền thông như chị, những người vốn không được đào tạo bài bản mà chủ yếu chuyển sang từ các vị trí nghiệp vụ khác trong ngân hàng. Vì vậy việc được tham gia một khóa học chuyên sâu, có định hướng rõ ràng và cập nhật xu hướng mới khiến chị vô cùng trân trọng.
Trong số các nội dung được chia sẻ, chị đặc biệt ấn tượng với bài giảng đầu tiên về ứng dụng AI trong truyền thông, được trình bày gần gũi, dễ hiểu và dễ áp dụng vào công việc thực tế. Sự kết hợp giữa lý thuyết và trải nghiệm thực hành đã giúp buổi học trở nên sinh động, dễ tiếp thu hơn.
Nhìn lại cách làm truyền thông trước đây vốn còn cảm tính, thiếu hệ thống, chị Phượng cho hay: "Với những kiến thức mới được tiếp cận, tôi tin mình sẽ từng bước thay đổi tư duy, làm truyền thông bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn".