Căn bệnh đáng sợ đang bùng phát, từ món khoái khẩu của người Việt

![]() |
Lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Ảnh: Unie. |
Từ đầu năm đến nay, thành phố Huế đã ghi nhận tổng cộng 33 ca mắc khuẩn Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn). Đáng lo ngại, chỉ trong hơn một tháng gần đây (từ đầu tháng 6 đến nay), số ca mắc mới đã tăng vọt lên 25 trường hợp, cao gấp hơn 4 lần so với tổng số ca trong 5 tháng trước cộng lại. Trong số này, một người đã không qua khỏi.
Nguy kịch sau khi ăn tiết canh, lòng lợn
Theo Bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu năm 2025 đến ngày 7/7, cơ sở y tế này đã tiếp nhận và điều trị 32 ca mắc liên cầu khuẩn lợn, tất cả đều là người dân địa phương. Phần lớn bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã diễn tiến nặng: sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, nôn mửa, sợ ánh sáng, thậm chí viêm màng não.
Thành phố Huế đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch liên cầu khuẩn lợn sau khi số ca mắc mới tăng đột biến trong thời gian ngắn. Nhiều người lo ngại nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng nếu không được kiểm soát kịp thời.
Không chỉ ở Huế, tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng vừa tiếp nhận nhiều ca bệnh nguy kịch do liên cầu khuẩn lợn, nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ những bữa tiết canh, lòng lợn.
Ông N.N.T. (63 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng cơ thể chi chít các mảng tím, khó thở, tay chân lạnh. Theo gia đình, 3 ngày trước đó, ông T. ăn tiết canh, lòng lợn, uống rượu ở quán quen gần nhà. Chỉ một ngày sau, ông bắt đầu khó chịu, ban tím lan nhanh, kèm khó thở nên phải chuyển cấp cứu.
"Bệnh nhân vào viện với tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng, phải thở máy, lọc máu. Trong lúc can thiệp, tim bệnh nhân bất ngờ ngừng đập, ê-kíp phải ép tim, dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp", thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Bằng, khoa Cấp cứu, cho hay. Dù đã qua cơn nguy kịch, nhưng tiên lượng bệnh nhân vẫn còn rất dè dặt.
![]() |
Nhiều bác sĩ phải thay nhau ép tim cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC. |
Một trường hợp khác là anh V.Đ.H. (30 tuổi, trú tại Hải Phòng) cũng đang chiến đấu với nguy cơ không qua khỏi sau khi ăn tiết canh lợn. Sau 3 ngày ăn món khoái khẩu này, anh rơi vào lơ mơ, toàn thân tím tái, tiêu chảy ra máu. Khi nhập viện, huyết áp của anh chỉ còn 60/40 mmHg, dấu hiệu sốc nhiễm trùng dễ dẫn đến suy đa tạng.
"Bệnh nhân rối loạn đông máu nặng, xuất huyết ở nhiều vị trí như mũi, miệng, dạ dày, dưới da và đã xuất hiện ban hoại tử lan rộng ở tứ chi - dấu hiệu vi khuẩn tấn công mạch máu, hoại tử mô nghiêm trọng. Nguy cơ nhiễm khuẩn huyết và suy đa cơ quan rất cao", bác sĩ Lê Sơn Việt chia sẻ.
Hiện tại, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, điều trị đồng thời 2 bệnh nhân khác sốc nhiễm khuẩn do liên cầu khuẩn lợn. Cả hai đều phải thở máy, lọc máu liên tục, dùng thuốc vận mạch để duy trì sự sống.
Bệnh dễ mắc, tiến triển nhanh
TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể lây truyền từ lợn sang người, thường qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp khi giết mổ, chế biến.
Bệnh khởi phát đột ngột với các triệu chứng điển hình như sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, rối loạn tri giác, đại tiện phân lỏng. Đặc biệt, ở thể nhiễm khuẩn huyết nặng, bệnh nhân thường xuất hiện ban xuất huyết dưới da bắt đầu từ vùng đầu, mặt, cổ rồi lan nhanh ra toàn thân.
![]() |
Sau 3 ngày ăn tiết canh lợn, anh H. rơi vào lơ mơ, toàn thân tím tái, tiêu chảy ra máu. Ảnh: BVCC. |
"Điều đáng lo ngại là bệnh tiến triển rất nhanh, chỉ trong vòng 24 giờ, tình trạng có thể chuyển từ nhẹ sang nặng, dẫn đến biến chứng viêm màng não, suy đa tạng hoặc thậm chí không qua khỏi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời", TS Hùng nói.
Theo vị chuyên gia, nhiều người mắc bệnh chỉ vì những thói quen ăn uống khó bỏ, đặc biệt là ăn tiết canh, lòng lợn, nem chua hay các món làm từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ. Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập qua đường tiêu hóa rồi tấn công máu, màng não. Ngoài ra, trong quá trình giết mổ, chế biến hay chăm sóc lợn bệnh, vi khuẩn cũng có thể thâm nhập qua các vết trầy xước, vết thương hở trên da, nhất là khi không có đồ bảo hộ phù hợp.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ghi nhận các ca mắc bệnh rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố với nguy cơ gia tăng trong những năm gần đây, chủ yếu liên quan đến thói quen ăn uống chưa an toàn và việc tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn sống mà không đảm bảo vệ sinh.
Việc điều trị bệnh đòi hỏi chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời. Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhấn mạnh đến nay, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn.
![]() |
Bệnh liên cầu lợn tiến triển rất nhanh, có thể từ nhẹ chuyển sang nặng chỉ trong vòng 24 giờ. Ảnh: BVCC. |
Bệnh nhân thường được chỉ định điều trị kháng sinh theo phác đồ phù hợp, đồng thời theo dõi sát sao các chỉ số dịch não tủy để điều chỉnh thuốc khi cần thiết. Với những ca nặng, bác sĩ phải hỗ trợ hô hấp, đặt ống thở máy, chống phù não, chống co giật, kiểm soát nhiễm trùng và phục hồi chức năng.
"Sau điều trị, nhiều bệnh nhân vẫn phải đối mặt với di chứng nặng nề như điếc, rối loạn thăng bằng hoặc tổn thương thần kinh vĩnh viễn", bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.
Cách phòng bệnh quan trọng nhất là thay đổi thói quen ăn uống. Bác sĩ Khiêm khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh, lòng lợn hay bất cứ sản phẩm nào từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ.
Khi mua thịt, người dân nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh dùng thịt có dấu hiệu bất thường như phù nề, bầm tím, xuất huyết. Người tham gia giết mổ, chế biến lợn nên đeo găng tay, khẩu trang, che kín các vết thương hở để tránh vi khuẩn xâm nhập qua da.
Nếu có vết thương nhỏ ở tay chân, người dân nên băng kín bằng gạc sạch, không thấm nước trước khi xử lý thực phẩm sống. Ngoài ra, đồ ăn sẵn mua ngoài hàng, nhất là các món chế biến từ thịt lợn, nên được chần lại bằng nước sôi hoặc nấu chín kỹ trước khi ăn để đảm bảo an toàn thực phẩm.
TS.BS Thân Mạnh Hùng nhấn mạnh chỉ một bát tiết canh hay đĩa lòng tái cũng có thể đổi lại bằng cả tính mạng. Phòng bệnh bao giờ cũng dễ và rẻ hơn rất nhiều so với trả giá bằng sức khỏe hay mạng sống.
Những lời từ trái tim bác sĩ
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.