Nhảy đến nội dung

Cần 5.000 cơ sở kiểm định khí thải 70 triệu xe máy Việt Nam

TPO - Cục Đăng kiểm Việt Nam ước tính, đến năm 2028 cả nước cần có khoảng 5.000 tổ chức, cơ sở kiểm định khí thải xe máy mới có thể đảm bảo việc đo kiểm khoảng 70 triệu xe trên cả nước.

TPO - Cục Đăng kiểm Việt Nam ước tính, đến năm 2028 cả nước cần có khoảng 5.000 tổ chức, cơ sở kiểm định khí thải xe máy mới có thể đảm bảo việc đo kiểm khoảng 70 triệu xe trên cả nước.

Cần 5.000 cơ sở kiểm định khí thải xe máy

Cục Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về khí thải xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) lưu hành ở Việt Nam.

Dự thảo áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến xe máy đang lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, không áp dụng đối với các loại xe máy chuyên dùng của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.

Theo Cục Môi trường, việc đo kiểm khí thải xe máy là nội dung mới được quy định bởi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do đó các tổ chức, cơ sở đo kiểm khí thải xe máy sẽ dần dần được hình thành.

Đáng chú ý, Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Xây dựng ước tính, đến năm 2028 trên cả nước cần có khoảng 5.000 tổ chức, cơ sở hoạt động kiểm tra, kiểm định khí thải xe máy mới có thể đảm bảo việc đo kiểm khoảng 70 triệu xe trên cả nước.

Cần 5.000 cơ sở kiểm định khí thải 70 triệu xe máy Việt Nam ảnh 1

Đến năm 2028 cần 5.000 cơ sở kiểm định khí thải xe máy. Ảnh: Báo Xây dựng.

Theo thống kê, từ năm 2009 - 2023, số lượng phương tiện giao thông gia tăng tại Việt Nam chủ yếu là phương tiện cá nhân, với tỉ lệ tăng trung bình từ 10 - 15%, tập trung tại các thành phố như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Tính đến 12/2023, số phương tiện đã được đăng ký và quản lý trên toàn quốc là hơn 74 triệu xe máy. Trong khi đó, từ 1/1/2021 - 30/6/2024, số lượng xe máy đăng ký mới do Bộ Công an quản lý là gần 11 triệu xe.

Các số liệu nêu trên cho thấy số lượng xe máy tại Việt Nam đang lưu hành rất lớn, nhưng hiện tại nước ta vẫn chưa có QCVN đối với khí thải xe máy đang lưu hành. Vì vậy, cần phải xây dựng và ban hành QCVN để sớm áp dụng lộ trình mức khí thải xe máy lưu hành ở Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM)) để thực hiện nghiên cứu, đánh giá đối với từng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, QCVN về khí thải của phương tiện giao thông đã được ban hành và có đề xuất kiến nghị đối với từng đối tượng phương tiện giao thông.

Việc rà soát, ban hành QCVN về khí thải xe máy đang lưu hành là một phần quan trọng, liên hệ chặt chẽ với việc xây dựng, đề xuất lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, QCVN về khí thải của phương tiện giao thông.

Xe máy xăng góp phần gây ô nhiễm không khí đô thị nghiêm trọng

Tại dự thảo, Cục Môi trường cho biết tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều đô thị lớn nói riêng, Việt Nam nói chung có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông vận tải.

Ô nhiễm không khí từ giao thông bao gồm bụi đường, khí thải từ số lượng lớn các xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu), nhất là các xe cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố. Ngoài ra, tình trạng tắc đường hay kẹt xe giờ cao điểm thường xuyên do mật độ phương tiện quá cao, cũng làm tăng lượng khí thải ra không khí lên nhiều lần.

Cần 5.000 cơ sở kiểm định khí thải 70 triệu xe máy Việt Nam ảnh 2

Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông vận tải. Ảnh: T.T.D.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, tỉ lệ bụi đường gây ô nhiễm không khí tại TP. Hà Nội năm 2015 là 23%, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguồn gây ô nhiễm; năm 2021 tăng lên 36%. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu khoa học của một số chuyên gia môi trường tại Hà Nội và TPHCM cho thấy, từ năm 2022 đến nay, tỷ lệ ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông dao động trong khoảng 40 - 60%.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, cần tập trung kiểm soát các chất như cacbon monoxit (CO) và các hydrocacbon (HC) có trong xe xăng. Bởi theo nghiên cứu, một số HC như benzen, toluen, xylen… có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí benzen còn gây ra rủi ro ung thư, đóng góp vào sự hình thành O3 và bụi mịn.

Lộc Liên