Campuchia bất ngờ săn lùng hàng trăm nghìn tấn hàng của Việt Nam: Thu về gần 300 triệu USD, nước ta cũng tiêu thụ hàng chục triệu tấn mỗi năm

Campuchia là khách hàng lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng này.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 159 nghìn tấn phân bón trong tháng 4 với trị giá hơn 68 triệu USD, giảm 40% về lượng và 24,6% về kim ngạch so với tháng trước.
Lũy kế trong 4 tháng đầu năm nước ta đã xuất khẩu hơn 760 nghìn tấn phân bón, trị giá hơn 293 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và 16,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân 386 USD/tấn, giảm 4% so với 4T/2024.
Xét về thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Campuchia với hơn 205 nghìn tấn, trị giá hơn 67 triệu USD, tăng 41% về lượng và tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá giảm 19%, tương ứng 331 USD/tấn.
Đứng thứ 2 là thị trường Hàn Quốc với hơn 99 nghìn tấn, trị giá hơn 40 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 17% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024. Giá giảm nhẹ 2%, tương đương 405 USD/tấn.
Malaysia là thị trường xuất khẩu phân bón lớn thứ 3 của Việt Nam với hơn 65 nghìn tấn, trị giá hơn 26 triệu USD, tăng 44,8% về lượng và tăng 70,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình 404 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng bất lợi từ giá thành sản xuất phân bón. Hiện tại, giá thành sản xuất nhiều loại phân bón của Việt Nam so với một số nước trên thế giới vẫn khá cao, chi phí giá thành ở một số nước thấp do họ có lợi thế về tài nguyên và chi phí đầu tư ít hơn.
Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Từ ngày 1/7/2025, phân bón sẽ chịu thuế VAT đầu ra với mức thuế suất 5%. Sự điều chỉnh này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước được hoàn thuế VAT đầu vào, giảm chi phí sản xuất và cải thiện lợi nhuận.
Ngành phân bón Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 nhờ nhiều yếu tố tích cực. Nhu cầu trong nước vẫn ổn định khi nông dân tiếp tục sử dụng phân bón để nâng cao năng suất cây trồng, đặc biệt trong các vụ lúa và cây ăn quả. Các chính sách hỗ trợ, như việc áp dụng thuế VAT 5%, sẽ giúp giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Bên cạnh đó, tiềm năng xuất khẩu rất lớn khi nhu cầu phân bón từ các thị trường quốc tế như Ấn Độ, Mỹ và châu Phi dự báo sẽ tăng cao, mở ra cơ hội xuất khẩu rộng lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Những yếu tố này tạo nền tảng vững chắc cho thị trường này tại Việt Nam trong năm 2025 giúp ngành duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Theo các chuyên gia, thị trường phân bón Việt Nam năm 2025 có khả năng đạt trạng thái cân đối cung - cầu tốt hơn so với năm 2024. Tổng cung dự kiến đạt khoảng 11,5 - 12 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ ước tính ở mức 10 - 10,5 triệu tấn.