Nhảy đến nội dung
 

Cấm xe xăng vào trung tâm: Các nước làm thế nào?

(Dân trí) - Trước áp lực ô nhiễm không khí và nhu cầu chuyển đổi năng lượng, các quốc gia lớn trên thế giới đã làm thế nào để dần loại bỏ xe xăng ra khỏi đô thị?

Trung Quốc mở đường "chia tay" xe xăng

Là thủ đô với dân số đông và hệ thống giao thông dày đặc, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã tiên phong áp dụng chính sách cấm xe máy sử dụng xăng từ thập niên 1980. Chính quyền Bắc Kinh sau đó tiếp tục siết chặt các quy định như hạn chế đăng ký xe mới, nâng tiêu chuẩn khí thải và quy định niên hạn sử dụng...

Trong quá trình này, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc từng bước siết chặt việc sử dụng xe máy bằng nhiều biện pháp quyết liệt như dừng cấp mới giấy đăng ký, cấm xe lưu thông trên các trục đường chính...

Nhiều địa phương tại Trung Quốc còn áp dụng lệnh cấm đối với xe máy ngoại tỉnh buộc người dân chỉ được sử dụng phương tiện trong phạm vi cho phép. Trong đó, Thâm Quyến là thành phố tiên phong, cấm xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2003, bắt đầu với một vài tuyến đường rồi mở rộng ra toàn bộ nội đô.

Bắc Kinh và Thượng Hải cũng thực hiện các biện pháp mạnh tay như ngừng cấp biển số mới hoặc tăng lệ phí đăng ký xe máy lên mức rất cao. Chiến lược chung của Trung Quốc là kết hợp dần giữa hạn chế và xử phạt nghiêm ngặt, thậm chí tịch thu xe nếu tái phạm.

Từ năm 2017, Bắc Kinh còn là một trong những địa phương đầu tiên thiết lập vùng phát thải thấp (LEZ), giới hạn xe tải nặng không đạt tiêu chuẩn khí thải China IV lưu thông vào trung tâm thành phố.

Không chỉ các đô thị lớn, một số tỉnh như Hải Nam cũng đi đầu khi tuyên bố sẽ cấm bán xe chạy xăng mới từ năm 2030. Theo Straits Times, đây được xem là bước đi tiên phong nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện và xe năng lượng mới (NEV).

Chính phủ Trung Quốc cũng đã phê duyệt Kế hoạch phát triển xe năng lượng mới giai đoạn 2021-2035. Theo kế hoạch, đến năm 2025, ít nhất 20% tổng số xe bán ra phải là xe điện hoặc xe hybrid; con số này sẽ tăng lên 40% vào năm 2030, đồng thời lượng khí thải trung bình trên mỗi xe giảm 25%.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, Trung Quốc triển khai loạt chính sách ưu đãi như miễn thuế, trợ giá mua xe điện, đầu tư trạm sạc, sản xuất pin và cơ sở hạ tầng tái tạo. Các địa phương cũng được khuyến khích thử nghiệm vùng cấm xe xăng nếu đủ điều kiện, tiến tới nhân rộng toàn quốc.

Tham vọng xanh hóa của Anh

Tại Anh, thủ đô London là nơi tiên phong trong việc triển khai các chính sách giảm phát thải từ phương tiện giao thông. Từ năm 2017, thành phố bắt đầu áp dụng loại phí “T-Charge” nhằm vào các phương tiện cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 khi lưu thông vào khu vực trung tâm trong giờ cao điểm.

Chỉ 2 năm sau, vào tháng 4/2019, chính sách này được thay thế bằng Khu vực Phát thải Siêu thấp (ULEZ). Dù không cấm trực tiếp xe chạy xăng, London áp dụng hệ thống thu phí nghiêm ngặt để hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm.

Khu vực ULEZ yêu cầu các xe cũ, bao gồm phần lớn ô tô chạy xăng trước năm 2006 và xe diesel trước năm 2015, phải trả phí hằng ngày khoảng 12,5 bảng Anh (hơn 400.000 đồng) nếu muốn vào khu vực quy định. Nếu không trả phí, người vi phạm sẽ bị phạt tiền nặng.

Mục tiêu chính của ULEZ là từng bước loại bỏ các phương tiện gây ô nhiễm nặng khỏi hệ thống giao thông đô thị. Theo Transport for London, sau 5 năm triển khai, nồng độ khí NO2 - một trong những chất gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe - đã giảm tới 54% tại trung tâm London. Bên cạnh đó, hơn 85% số phương tiện lưu thông đã được thay thế bằng xe đạt chuẩn khí thải hoặc xe điện.

Việc giảm số lượng phương tiện không đạt chuẩn cũng giúp nồng độ bụi mịn PM2.5 giảm 31%. Nhờ ULEZ, cả người dân lẫn doanh nghiệp đã có động lực chuyển sang xe ít phát thải hoặc xe điện. Dù vẫn còn một số tranh cãi, đặc biệt về tác động tài chính với người thu nhập thấp hoặc doanh nghiệp nhỏ, nhưng các lợi ích môi trường thường được xem là ưu tiên hàng đầu.

Thành phố Oxford (Anh) cũng đã thí điểm cấm hoàn toàn xe chạy xăng, bao gồm cả taxi và xe cá nhân, trên 6 tuyến phố trung tâm từ năm 2020.

Từ tháng 2/2022, thành phố này là nơi đầu tiên ở Anh triển khai Vùng không phát thải (ZEZ), cấm hoàn toàn xe động cơ đốt trong từ 7h-19h mỗi ngày tại 9 tuyến phố trung tâm.

Trên quy mô toàn quốc, Chính phủ Anh thông qua lộ trình cấm bán toàn bộ xe mới chạy xăng và diesel từ năm 2030. Từ năm 2035, tất cả xe ô tô mới được bán ra tại Anh phải là xe không phát thải, bao gồm xe điện hoàn toàn hoặc sử dụng hydro.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Anh đã ban hành quy định “ZEV Mandate”, yêu cầu các nhà sản xuất ô tô phải đảm bảo 80% lượng xe bán ra là xe không phát thải vào năm 2030 và đạt 100% vào năm 2035. Ngoài ra, quốc gia này còn triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ như đầu tư phát triển trạm sạc, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất xanh và hỗ trợ tài chính cho người mua xe điện.

Oslo (Na Uy) - Thủ đô của xe điện

Oslo, thủ đô của Na Uy, cũng đã bắt đầu loại bỏ xe cá nhân chạy xăng khỏi khu vực trung tâm, đồng thời thành phố đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông công cộng và làn xe đạp.

Oslo nổi bật với chính sách khuyến khích xe điện mạnh mẽ và tham vọng trở thành một thành phố hoàn toàn không có khí thải từ phương tiện giao thông. Mặc dù không có lệnh cấm trực tiếp xe xăng trên toàn thành phố ngay lập tức, nhưng các biện pháp ưu đãi và hạn chế đã "biến" xe điện thành lựa chọn hấp dẫn không thể bỏ qua.

Cụ thể, Na Uy đã ban hành chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với xe điện, không áp thuế giá trị gia tăng (VAT), miễn phí đỗ xe, cho phép xe điện đi vào làn buýt, giảm 75% phí đường cao tốc...

Nhờ loạt ưu đãi này, hơn 80% xe mới bán ra tại thủ đô Oslo vào năm 2023 là xe điện. Nhiều khu vực ở trung tâm thành phố cũng đã được chuyển đổi thành khu vực đi bộ hoặc dành riêng cho xe đạp và phương tiện công cộng, giảm đáng kể sự hiện diện của ô tô chạy xăng.

Các nước khác không nằm ngoài cuộc đua

Tại Paris (Pháp), từ năm 2020, các xe chạy bằng dầu diesel đời cũ cũng đã bị cấm vào trung tâm thành phố. Chính quyền thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm hoàn toàn.

Paris cũng đầu tư mạnh vào hạ tầng thay thế như mở rộng không gian đi bộ, phát triển hệ thống phương tiện công cộng... Nhờ đó, đến năm 2024, nồng độ khí NO2 tại trung tâm thành phố đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm, trong khi lượng bụi mịn PM10 cũng ghi nhận mức sụt giảm đáng kể.

Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha cũng triển khai các biện pháp tương tự nhằm cải thiện chất lượng không khí. Từ năm 2018, thành phố đã thiết lập các Khu vực phát thải thấp (Low Emission Zones – LEZ), hạn chế phương tiện chạy xăng và diesel cũ đi vào trung tâm.

Các nghiên cứu cho thấy LEZ đã giúp giảm đáng kể lưu lượng xe cộ cũng như nồng độ khí thải, đồng thời thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, qua đó cải thiện rõ rệt môi trường đô thị.

Không đứng ngoài xu hướng toàn cầu, Indonesia cũng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương tiện. Theo Bộ trưởng Năng lượng Arifin Tasrif, nước này đặt mục tiêu chỉ cho phép bán xe máy điện từ năm 2040 và ô tô điện từ năm 2050.

Việc chuyển đổi dự kiến sẽ giúp giảm khoảng 2,7 triệu tấn CO2 từ ô tô và 1,1 triệu tấn từ xe máy. Chính phủ Indonesia cũng triển khai các gói hỗ trợ tài chính và ưu đãi để thúc đẩy người dân mua xe thân thiện với môi trường.

Song song với chuyển đổi phương tiện, Indonesia còn cam kết đóng cửa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than trước năm 2056 nhằm tiến tới mục tiêu trung hòa carbon.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn