Nhảy đến nội dung
 

California hành động để ngăn ông Trump áp thuế quan

Chính quyền bang California của Mỹ ngày 16.4 đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan đối với các đối tác thương mại nước ngoài.

Tổng thống Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia và áp các mức thuế quan cao hơn đối với nhiều quốc gia vào ngày 9.4, nhưng sau đó ông đã tạm hoãn việc áp thuế quan mức cao trong 90 ngày. Tuy nhiên, ông Trump vẫn áp thuế 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, ngoại trừ một số mặt hàng điện tử nhất định, theo Reuters.

Trong đơn kiện nộp ngày 16.4, chính quyền Californina lập luận Hiến pháp Mỹ trao quyền áp thuế cho Quốc hội và Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), luật được Tổng thống Trump viện dẫn cho thẩm quyền áp mức thuế mới của ông, không cho phép tổng thống "đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ theo ý thích", theo Reuters.

"Chế độ thuế quan mới của Tổng thống Trump đã gây ra những tác động có sức tàn phá đối với nền kinh tế, tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, xóa sổ hàng trăm tỉ USD vốn hóa thị trường chỉ trong vài giờ, làm giảm đầu tư... và có nguy cơ đẩy đất nước vào suy thoái", đơn kiện viết.

Cũng theo đơn kiện, California, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và là bang nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các bang của Mỹ, "chịu một phần quá lớn chi phí thuế quan".

Thuế quan có thể làm tê liệt 12 cảng của California, nơi tiếp nhận 40% hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và cung cấp nguồn thuế ổn định cho bang. Ngoài ra, thuế quan đáp trả từ Trung Quốc và các quốc gia khác có thể gây tổn hại đến xuất khẩu nông sản của California (đạt tổng cộng 23,6 tỉ USD vào năm 2022), có nguy cơ khiến hàng ngàn người mất việc, theo đơn kiện.

Trong vụ kiện hôm 16.4, được đệ trình lên tòa án liên bang ở thành phố San Francisco, Thống đốc California Gavin Newsom và Tổng chưởng lý California Rob Bonta đã yêu cầu một thẩm phán cấm Bộ An ninh Nội địa Mỹ cùng Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới thực thi việc áp thuế quan.

Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Kush Desai ngày 16.4 nói rằng Thống đốc Newsom nên tập trung vào việc giải quyết tội phạm, tình trạng vô gia cư và giá cả cao ở bang của mình thay vì cố gắng ngăn chặn thuế quan của Tổng thống Trump.

"Toàn bộ chính quyền Trump vẫn cam kết giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia đang tàn phá các ngành công nghiệp của Mỹ và bỏ lại người lao động của chúng ta phía sau, với mọi công cụ chúng ta có, từ thuế quan đến đàm phán", ông Desai nhấn mạnh.

Trong các lệnh hành pháp áp đặt thuế quan, Tổng thống Trump đã viện dẫn các luật như IEEPA, luật cho phép tổng thống có đặc quyền để chống lại các mối đe dọa bất thường đối với Mỹ. Ông Trump đã nói rằng thâm hụt thương mại ròng của Mỹ so với phần còn lại của thế giới là một trường hợp khẩn cấp quốc gia gây nguy hiểm cho năng lực sản xuất của Mỹ và khiến Mỹ phụ thuộc vào các đối thủ nước ngoài.

Chính quyền Trump đã phải đối mặt với 3 vụ kiện tương tự, trong đó có một vụ kiện tại Tòa án Thương mại Quốc tế có trụ sở tại thành phố New York do nhóm vận động doanh nghiệp mang tên Trung tâm Công lý Tự do đệ trình nhằm ngăn chặn tất cả các mức thuế quan. Hai vụ kiện còn lại là vụ kiện tại tòa án liên bang Florida do một chủ doanh nghiệp nhỏ đệ trình nhằm ngăn chặn thuế quan đối với hàng Trung Quốc và vụ kiện thứ ba do các thành viên của Blackfeet Nation, một bộ lạc người Mỹ bản địa trải dài từ bang Montana của Mỹ đến tỉnh bang Alberta của Canada, đệ trình tại Montana để phản đối thuế quan của ông Trump đối với Canada.

Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng thuế quan của Tổng thống Trump đang ở trên cơ sở pháp lý không vững chắc, vì luật mà ông Trump trích dẫn nhằm giải quyết "các mối đe dọa bất thường và khác thường" đối với Mỹ.

Trong đó, ông Stratos Pahis, giáo sư giảng dạy luật thương mại quốc tế tại Trường Luật Brooklyn (Mỹ), nhận định tình trạng thâm hụt thương mại và sự suy giảm trong sản xuất của Mỹ mà ông Trump xác định là lý do cho việc áp thuế quan không đáp ứng tiêu chuẩn giải quyết "các mối đe dọa bất thường và khác thường" đối với Mỹ.

Ông Pahis cho rằng tình trạng thâm hụt thương mại và sự suy giảm trong sản xuất của Mỹ là hậu quả tự nhiên từ các chính sách của Mỹ nhằm hạ thấp rào cản thương mại kể từ Thế chiến 2. "Thật khó để hiểu làm sao những hoàn cảnh này lại 'bất thường và khác thường. Những từ đó nằm trong luật lệ và phải có ý nghĩa gì đó", Reuters dẫn lời ông Pahis.