Nhảy đến nội dung
 

Cách TP.HCM ngăn chặn thực phẩm bẩn

Hàng nông sản được nhập từ Lâm Đồng về TP.HCM sẽ truy xuất nguồn gốc từ nơi trồng. Ảnh minh hoạ: MM.

Người tiêu dùng ngày càng đặt nhiều câu hỏi về thực phẩm sử dụng mỗi ngày. Rau có thật sự sạch không? Thịt có thể truy xuất nguồn gốc hay không? Trái cây có tồn dư hóa chất không? Những lo ngại ấy không còn là chuyện của riêng từng gia đình mà đã trở thành áp lực với cơ quan quản lý ở một đô thị gần 14 triệu dân như TP.HCM.

Trước thực tế đó, thành phố không chờ đến khi xảy ra ngộ độc rồi mới lần ngược lại nơi sản xuất. Thay vào đó, TP.HCM đang phối hợp với tỉnh Lâm Đồng kiểm soát thực phẩm từ gốc, từ từng hộ trồng rau, từng trại chăn nuôi, từng cơ sở sơ chế.

Bên lề Hội nghị sơ kết công tác phối hợp sản xuất và tiêu thụ chuỗi thực phẩm an toàn, tổ chức sáng 26/7 tại tỉnh Lâm Đồng, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, nhấn mạnh quan điểm làm thật, giám sát thật và minh bạch toàn chuỗi.

Hai địa phương đã cùng rà soát lại chương trình phối hợp, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn như truy xuất tận gốc, kiểm soát chặt khâu sản xuất và không để thực phẩm bẩn lọt vào bữa ăn của người dân thành phố.

Rau củ sạch không tự nhiên mà có

Mỗi ngày, hàng trăm tấn rau củ, thịt heo, trái cây từ Lâm Đồng được chuyển về TP.HCM, đi vào bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, siêu thị. Nhưng làm sao để người tiêu dùng an tâm rằng rau sạch là “sạch thật”, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không giả mạo xuất xứ?

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nói rõ với đặc thù là trung tâm tiêu thụ lớn nhưng không còn nhiều đất nông nghiệp, mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 70-80% lượng nông sản đến từ các tỉnh. Trong đó, Lâm Đồng là một trong những nguồn cung chủ lực.

"Thành phố không thể tự sản xuất được lượng lớn nông sản, nên chỉ còn cách duy nhất là kiểm soát từ gốc. Chúng tôi có thể truy xuất đến tận hộ dân, hợp tác xã hoặc cơ sở sơ chế ở Lâm Đồng. Làm thật, giám sát thật, không làm đẹp hồ sơ", PGS Phong Lan nhấn mạnh.

Trong năm 2024, TP.HCM lấy 332 mẫu rau củ từ Lâm Đồng để kiểm nghiệm, kết quả cho thấy 331 mẫu đạt an toàn, chỉ duy nhất một mẫu cà chua phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, đã được xử lý và báo lại cho phía địa phương.

"Truy xuất là cách tốt nhất để ngăn chặn thực phẩm bẩn. Khi biết rõ thực phẩm được sản xuất ở đâu, ai sản xuất, quy trình ra sao, người tiêu dùng mới yên tâm. Chúng tôi không chờ ngộ độc rồi mới truy ngược", bà Phong Lan nhấn mạnh.

thuc pham sach anh 1

PGS Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Hiện, Lâm Đồng có 18 cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn cung ứng cho TP.HCM, gồm 12 cơ sở sản xuất rau, củ, quả, sản lượng gần 19.900 tấn/năm; 6 cơ sở chăn nuôi heo thịt, sản lượng hơn 8.100 tấn/năm.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, hơn 100 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả trên địa bàn tỉnh đang trực tiếp cung cấp cho chợ đầu mối và hệ thống siêu thị tại TP.HCM.

Hơn 200 doanh nghiệp bắt tay kiểm soát từ nơi trồng

Đầu năm nay, tại TP Đà Lạt (cũ), TP.HCM tổ chức Hội nghị kiểm soát chất lượng hàng hóa, triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, hợp tác xã và 9 hệ thống siêu thị lớn.

Sau sự kiện, các chuỗi siêu thị như MM Mega Market, Bách Hóa Xanh đã ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản sạch với các nhà cung cấp Lâm Đồng. Tất cả sản phẩm đưa vào hệ thống đều phải có mã số vùng trồng, hồ sơ truy xuất nguồn gốc và được kiểm tra định kỳ.

Công ty Nông sản Phong Thúy tại Lâm Đồng đã triển khai phần mềm truy xuất thông minh kết nối trực tiếp từ nhà sơ chế đến các trang trại sản xuất, sử dụng tem QR truy xuất cho các sản phẩm như xà lách thủy tinh, lô lô xanh, chuẩn bị áp dụng cho cà chua, dưa leo, tần ô…

Các sản phẩm này đang thử nghiệm bán trên nền tảng số như ShopeeFood, GrabMart, đồng thời phát triển kênh thương mại điện tử riêng, fanpage, website để người tiêu dùng có thể kiểm tra được xuất xứ, thời gian thu hoạch và đơn vị sản xuất.

Ông Phúc khẳng định địa phương đang hướng đến trở thành trung tâm sản xuất nông sản sạch công nghệ cao hàng đầu cả nước. Hiện Lâm Đồng có 107.306 ha nông nghiệp công nghệ cao; 149.760 ha được chứng nhận sản xuất bền vững (bao gồm GAP, hữu cơ, UTZ, 4C…); 960 mã số vùng trồng xuất khẩu và 33 cơ sở đóng gói, phục vụ các thị trường Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

thuc pham sach anh 2

Đoàn công tác của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tham quan mô hình rau sạch của doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh có hơn 388 trang trại nuôi heo, 149 trang trại nuôi gia cầm, 110 trại bò sữa, cung ứng 331.595 tấn thịt hơi/năm, gần 568 triệu quả trứng, và hơn 110.000 tấn sữa tươi mỗi năm.

Tỉnh cũng đầu tư mạnh vào chế biến nông sản sau thu hoạch, với gần 2.700 cơ sở, nhà máy chế biến nông - lâm - thủy sản, trong đó hơn 500 cơ sở đạt chuẩn doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa, cấp đông nhanh, phân loại màu.

Ngoài ra, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay một điểm then chốt trong quản lý mới là không truy xuất được - không được vào chuỗi phân phối chính quy.

"Chúng tôi đã xác nhận 19 chuỗi thực phẩm an toàn của tỉnh Lâm Đồng đang tiêu thụ tại TP.HCM. Nhưng nếu đơn vị nào không tuân thủ quy trình truy xuất, không đạt chất lượng kiểm nghiệm thì không được cấp giấy. Mọi sai phạm dù nhỏ cũng sẽ bị loại ra khỏi chuỗi", bà Lan nói.

TP.HCM cũng đã thống kê và cập nhật cơ sở dữ liệu 79 cơ sở sản xuất ở Lâm Đồng đạt các chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000… để phục vụ hậu kiểm. Các mẫu thực phẩm từ Lâm Đồng vào chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn cũng được lấy ngẫu nhiên và gửi phân tích thường xuyên.

TP.HCM hiện đã mở rộng diện tích lên hơn 6.000 km², dân số hơn 14 triệu. Áp lực đảm bảo an toàn thực phẩm là rất lớn. Nhưng thay vì lo ngại, Sở An toàn thực phẩm lựa chọn giải pháp bền vững là làm thực phẩm sạch có trách nhiệm, truy xuất được, quản lý được, và cùng doanh nghiệp xây dựng chuỗi thật.

Đó không chỉ là cuộc chiến với thực phẩm bẩn, mà là hành trình xây dựng niềm tin, từng bó rau, quả cà, miếng thịt đến tay người tiêu dùng TP.HCM.

Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn