Nhảy đến nội dung

Các xét nghiệm sàng lọc ung thư phổi - Báo VnExpress

Globocan ước tính năm 2022 ung thư phổi là một trong những loại ung thư phổ biến và gây tử vong cao tại Việt Nam, với hơn 24.400 ca mắc mới, chiếm 13,5% tổng số ca ung thư mới, hơn 22.500 người tử vong.

Theo TS.BS Nguyễn Quang Đợi, Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đa phần bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị, tăng chi phí chữa bệnh. Sàng lọc ung thư phổi giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tăng khả năng điều trị hiệu quả. Hiện có rất nhiều xét nghiệm sàng lọc bệnh này.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) phổi liều thấp

Chụp CT phổi cung cấp hình ảnh chi tiết để phát hiện sớm ung thư phổi và các tổn thương khác như viêm phổi kẽ, lao phổi... Bác sĩ Đợi cho biết chụp CT phổi liều thấp là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X với liều bức xạ thấp hơn so với chụp CT thông thường, phát hiện bất thường mà không gây tổn hại nhiều đến cơ thể. Hiện, Việt Nam đã ứng dụng nhiều hệ thống chụp máy CT có số lát cắt lớn như 1975, Somatom VB 30 với hơn 100.000 lát cắt giúp tăng hiệu quả phát hiện sớm ung thư phổi, liều bức xạ chỉ bằng 10% so với chụp cắt lớp vi tính thông thường.

Phương pháp chụp CT phổi liều thấp được khuyến cáo sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi cho người từ 50 đến 80 tuổi không có triệu chứng bất thường, người đang hút thuốc hoặc từng hút thuốc, tiền sử tiếp xúc với chất độc hại như radon, crom, niken hoặc asen. Người có người thân mắc ung thư phổi hay sống trong môi trường ô nhiễm không khí nặng, kéo dài cũng được khuyến cáo tầm soát bệnh bằng CT liều thấp.

Chụp X-quang phổi

X-quang là phương pháp phổ biến đơn giản nhưng hữu ích để phát hiện bất thường ở phổi như nhiễm trùng, u phổi, tràn dịch màng phổi hay dấu hiệu tổn thương khác. Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang nếu bệnh nhân có triệu chứng ho kéo dài, khó thở hay đau tức ngực.

Giai đoạn sớm của ung thư phổi thường không thấy rõ trên X-quang, nếu khối u nhỏ hoặc bị che lấp bởi cấu trúc giải phẫu như xương sườn, tim, trung thất, vòm hoành... Do đó, người thuộc nhóm có nguy cơ cao nên đến bác sĩ tư vấn để thực hiện xét nghiệm chuyên sâu hơn, đánh giá hiệu quả nguy cơ ung thư phổi.

Nội soi phế quản

Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong đường thở, lấy mẫu sinh thiết mô hoặc dịch rửa phế quản phế nang để xét nghiệm, hỗ trợ phát hiện ung thư phổi, lao phổi hay viêm phế quản mạn tính. Bác sĩ sử dụng một ống nội soi mềm, có gắn camera nhỏ, đưa qua mũi hoặc miệng để quan sát trực tiếp bên trong khí quản, phế quản. Nếu phát hiện tổn thương bất thường, bác sĩ lấy mẫu mô (sinh thiết) hoặc dịch phế quản và kiểm tra tế bào ung thư. Thủ thuật này thường được chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ như ho kéo dài, ho ra máu, khó thở hoặc đau ngực dai dẳng.

Xét nghiệm máu

Marker ung thư (Tumor markers) là các chất thường được sản xuất bởi tế bào ung thư hoặc cơ thể phản ứng với khối u hỗ trợ phát hiện trong máu, nước tiểu hoặc mô. Do đó, xét nghiệm marker ung thư có thể dự báo nguy cơ mắc một số loại ung thư. Với ung thư phổi, có một số marker chỉ điểm như CEA (thường tăng trong ung thư phổi không tế bào nhỏ), NSE (liên quan đến ung thư phổi tế bào nhỏ), CYFRA 21-1 (dùng cho ung thư phổi tế bào nhỏ), ProGRP (ung thư phổi tế bào nhỏ), SCC (ung thư phổi không tế bào nhỏ) .

"Không có marker nào đặc hiệu 100% để chẩn đoán ung thư, vì chúng có thể tăng trong các bệnh lành tính hoặc viêm nhiễm", bác sĩ Đội nói, thêm rằng cần kết hợp nhiều kiểm tra khác để tăng tính chính xác cho chẩn đoán ung thư phổi.

Xét nghiệm đờm

Xét nghiệm đờm là phương pháp hỗ trợ trong chẩn đoán ung thư phổi, đặc biệt là ung thư phổi tế bào vảy. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân ho đờm sâu từ phổi, thường vào buổi sáng sớm để thu thập mẫu xét nghiệm. Sau đó, mẫu đờm được kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện các tế bào bất thường hoặc tế bào ung thư. Phương pháp này không xâm lấn, dễ thực hiện và có thể hữu ích trong việc phát hiện sớm ung thư phổi ở người có triệu chứng như ho kéo dài, ho ra máu hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh.

Xét nghiệm đờm có độ nhạy không cao và không phải lúc nào cũng phát hiện được ung thư phổi, đặc biệt là các khối u nằm sâu trong mô phổi hoặc ở phế quản nhỏ. Do đó, nếu xét nghiệm đờm không phát hiện tế bào ung thư, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán khác như chụp CT liều thấp, nội soi phế quản hoặc sinh thiết phổi nhằm có kết quả chính xác hơn.

Khuê Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp