Các loại vaccine cần tiêm trước khi du học - Báo VnExpress

Bác sĩ Nguyễn Văn Mác Toàn, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết du học sinh sinh hoạt và học tập ở môi trường khác biệt với Việt Nam, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tăng. Ngoài ra, một số quốc gia đã ghi nhận dịch sởi, ho gà trong những năm qua. Việc đảm bảo hành trang sức khỏe tốt giúp du học sinh yên tâm, tiết kiệm chi phí. Ngoài các vaccine phòng bệnh dễ gây thành dịch, một số loại khác cũng được khuyến cáo thêm, cụ thể như sau:
Cúm mùa
Cúm mùa do virus cúm influenza gây ra, phổ biến ở tất cả khu vực trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi họng của người bệnh, chạm tay vào các vật dụng dính virus. Du học sinh di chuyển nhiều bằng máy bay, phương tiện công cộng có nguy cơ mắc bệnh cao và khả năng gặp biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu. Theo WHO, mỗi năm thế giới có khoảng một tỷ ca cúm, gây 290.000 - 650.000 ca tử vong.
Du học sinh nên tiêm ngừa một mũi vaccine cúm trước khi xuất hành tối thiểu 2-3 tuần để kịp tạo kháng thể bảo vệ, đồng thời tiêm nhắc lại một mũi hằng năm.
Sởi - quai bị - rubella
Ba bệnh này đều lây lan qua đường hô hấp và có thể bùng phát thành dịch khi tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm. Một người mắc sởi có thể lây cho 12-18 người.
Trong năm 2024 và 2025, một số nước như Anh, Mỹ ghi nhận số ca sởi tăng mạnh. Sởi có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, tiêu chảy cấp, viêm loét giác mạc.
Bệnh quai bị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như vô sinh ở nam và nữ, mất thính lực, viêm màng não, viêm não, tử vong.
Đối với bệnh rubella, bất kỳ giới tính, độ tuổi nào cũng có thể mắc nếu chưa có miễn dịch. Bệnh đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai, có thể dẫn đến hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ, thai lưu, sinh non, dị tật bẩm sinh.
Hiện Việt Nam có vaccine phối hợp ngừa ba bệnh sởi, quai bị và rubella trong một mũi tiêm, người từ 7 tuổi trở lên có lịch tiêm 2 mũi, cách nhau một tháng.
Bạch hầu - uốn ván - ho gà
Bạch hầu và ho gà dễ lây lan qua đường hô hấp. Trong đó, bạch hầu có thể gây ra biến chứng viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, tổn thương thần kinh, liệt cơ, suy hô hấp, tử vong.
Bệnh ho gà có thể dẫn đến suy hô hấp với nguy cơ tử vong cao. Tại Anh, dịch ho gà bùng phát mạnh hồi đầu năm 2024, với hàng nghìn ca nhiễm, khiến 5 trẻ tử vong. Tại Mỹ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, hơn 7.000 ca mắc ho gà, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số ca mắc ho gà ở nước này cũng tăng vọt tới hơn 1.500% kể từ năm 2021. Các chuyên gia y tế lo ngại các đợt bùng phát có thể tồi tệ hơn trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng thấp và nguồn lực cho y tế dự phòng bị cắt giảm.
Còn mầm bệnh uốn ván có mặt ở mọi nơi, thường gặp trong đất cát. Nha bào uốn ván có thể gây bệnh sau 5 năm tồn tại trong đất. Bệnh gây các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật, viêm phổi, suy thận cấp, xuất huyết tiêu hóa, tử vong.
Học sinh, sinh viên trước khi đi du học nên tiêm ngừa mũi phòng các bệnh này. Tùy theo lịch sử chủng ngừa, bác sĩ sẽ chỉ định mũi tiêm phù hợp với từng người. Vaccine cần tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Thủy đậu
Virus varicella-zoster gây ra bệnh thủy đậu và bệnh zona thần kinh. Người bị thủy đậu sẽ phát ban, nổi mụn nước nhỏ có chứa dịch, ngứa ngáy. Bệnh lây qua đường hô hấp và lây gián tiếp khi tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết và chất lỏng từ mụn nước. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, khớp và nhiễm trùng máu, viêm não, viêm phổi, viêm thận, viêm cầu thận, viêm khớp tràn dịch, bị zona thần kinh sau này...
Du học sinh có thể tiêm vaccine ngừa thủy đậu với liệu trình hai mũi, cách nhau ít nhất một tháng nếu trước đó chưa mắc bệnh. Người có bệnh nền, suy giảm hệ miễn dịch hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (sau ghép tạng, điều trị ung thư) có thể đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm ngừa zona thần kinh.
Phế cầu và não mô cầu
Đây là hai bệnh lây qua đường hô hấp, có nguồn lây từ người bệnh hoặc người lành mang trùng. Các du học sinh sống và sinh hoạt ở ký túc xá, môi trường đông người có nguy cơ cao mắc hai bệnh này.
Trong đó, phế cầu khuẩn là tác nhân gây ra các bệnh nặng như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não. Bệnh còn có thể gây ra những di chứng suốt đời như: mất thính lực, chậm phát triển trí tuệ hoặc rối loạn vận động.
Còn bệnh do não mô cầu có thể gây tử vong nhanh chóng chỉ trong 24 giờ với hai bệnh cảnh thường gặp là viêm màng não và nhiễm trùng máu. Có đến 20% gặp di chứng chậm phát triển trí tuệ, liệt, điếc, cắt cụt chi nếu sống sót.
Bác sĩ Toàn lưu ý các vaccine nên hoàn thành trước khi xuất cảnh tối thiểu một tháng để cơ thể sinh ra miễn dịch được tốt nhất. Ngoài ra, có nhiều loại vaccine phòng bệnh khác như phế cầu phòng viêm phổi, viêm màng não, vaccine HPV phòng mụn cóc sinh dục và các bệnh ung thư ở nam nữ, vaccine sốt xuất huyết...
Các du học sinh nên tìm hiểu thêm để bảo vệ sức khỏe tối ưu đồng thời tuân theo khuyến cáo của nhà trường hoặc chính quyền sở tại. Mọi người không nên có tâm lý chỉ chủng ngừa khi bắt buộc hoặc đi nước ngoài. Vaccine có thể tiêm theo mùa, theo độ tuổi, khi chuẩn bị kết hôn, mang thai. Đồng thời, mọi người nên kết hợp các biện pháp khác như vệ sinh tay thường xuyên, dinh dưỡng đầy đủ, tập luyện thể thao đều đặn để chủ động bảo vệ sức khỏe mọi lúc, mọi nơi.
Hoàng Dương