Các hồng y bước vào mật nghị bầu giáo hoàng, thế giới chờ 'làn khói trắng' từ Vatican

TPO - Các hồng y sẽ bắt đầu nhiệm vụ bầu giáo hoàng mới vào hôm nay (7/5), tự cô lập mình khỏi thế giới cho đến khi chọn được người mà họ hy vọng có thể đoàn kết giáo hội toàn cầu.
![]() |
(Ảnh: AP) |
Theo quy trình có nguồn gốc từ thời trung cổ, các hồng y sẽ tiến vào Nhà nguyện sau Thánh lễ công khai tại Vương cung thánh đường Thánh Peter và bắt đầu mật nghị để bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.
Suốt nhiều thế kỷ qua, không có giáo hoàng nào được bầu vào ngày đầu tiên của mật nghị. Vì vậy, việc bỏ phiếu có thể kéo dài vài ngày trước khi một trong những hồng y của giáo hội nhận được 2/3 số phiếu cần thiết để trở thành giáo hoàng thứ 267.
Trong ngày đầu tiên sẽ chỉ có một cuộc bỏ phiếu. Sau đó, các hồng y có thể bỏ phiếu nhiều nhất là bốn lần một ngày. Khói đen từ ống khói trên mái nhà nguyện sẽ đánh dấu một cuộc bỏ phiếu không có kết quả, trong khi khói trắng và tiếng chuông ngân vang sẽ báo hiệu rằng giáo hội gồm 1,4 tỷ thành viên đã có nhà lãnh đạo mới.
Trong những ngày gần đây, các hồng y đã đưa ra nhiều đánh giá khác nhau về những gì họ đang tìm kiếm ở vị giáo hoàng tiếp theo.
Trong khi một số người kêu gọi duy trì quan điểm của Giáo hoàng Francis về sự cởi mở và cải cách, thì những người khác lại cho biết họ muốn quay ngược thời gian và tôn trọng truyền thống. Nhiều người chỉ ra rằng họ muốn một giáo hoàng "có thể dự đoán được".
Tổng cộng 133 Hồng y từ 70 quốc gia sẽ tham gia bỏ phiếu. Tại mật nghị gần nhất năm 2013, số hồng y tham dự là 115 người đến từ 48 quốc gia. Sự gia tăng về số lượng hồng y phản ánh những nỗ lực của Giáo hoàng Francis nhằm mở rộng phạm vi của giáo hội đến những vùng xa xôi có ít người Công giáo.
Ứng viên sáng giá
Hiện không có ứng cử viên nào được yêu thích rõ ràng. Hồng y người Ý Pietro Parolin và Hồng y người Philippines Luis Antonio Tagle được coi là những lựa chọn hàng đầu.
Ngoài ra, còn có các ứng cử viên tiềm năng như hồng y Jean-Marc Aveline của Pháp, hồng y Peter Erdo của Hungary, hồng y Robert Prevost của Mỹ và hồng y Pierbattista Pizzaballa của Ý.
Tuy nhiên, nếu các hồng y nhanh chóng nhận ra rằng không bên nào có thể giành chiến thắng, thì phiếu bầu có khả năng sẽ chuyển sang các ứng cử viên khác. Các hồng y có thể cân nhắc yếu tố địa lý, sự tương đồng về giáo lý hoặc ngôn ngữ chung khi bỏ phiếu.
"Hãy chờ đợi. Cần phải kiên nhẫn", hồng y người Ý Mario Zenari nói với các phóng viên hôm 6/5.
Giống như thời trung cổ, các hồng y sẽ bị cấm giao tiếp với người ngoài trong suốt mật nghị, và Vatican đã thực hiện các biện pháp công nghệ cao để đảm bảo tính bí mật, bao gồm cả cài đặt thiết bị gây nhiễu để ngăn chặn mọi hành vi nghe lén.
Độ dài trung bình của 10 mật nghị gần đây nhất là hơn ba ngày, và không có mật nghị nào kéo dài quá năm ngày. Mật nghị năm 2013 chỉ kéo dài hai ngày.
Lần này, các hồng y sẽ tìm cách kết thúc mọi thứ một cách nhanh chóng để tránh tạo ấn tượng rằng giáo hội đang bị chia rẽ.
Khoảng 80% số hồng y tham gia bỏ phiếu lần này được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm, làm tăng khả năng người kế nhiệm sẽ tiếp tục các chính sách tiến bộ của ông theo một cách nào đó, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ những người theo chủ nghĩa truyền thống.
Các hồng y cũng đang đặt ra câu hỏi, nên tìm kiếm một giáo hoàng từ Nam bán cầu - nơi các giáo đoàn đang phát triển - như họ đã làm vào năm 2013 với Giáo hoàng Francis người Argentina, hay trao lại quyền lực cho châu Âu hoặc thậm chí chọn một giáo hoàng đầu tiên từ Mỹ.