Các bệnh truyền nhiễm ở trẻ 10-15 tuổi có thể ảnh hưởng não - Báo VnExpress

Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết trẻ em 10-15 tuổi thường xuyên đi học, tham gia các hoạt động nhóm, tiếp xúc bạn bè nên dễ mắc và lây lan các bệnh truyền nhiễm. Các bệnh có thể biến chứng viêm não, để lại nhiều di chứng.
Sởi
Bác sĩ Tấn cho biết trẻ lớn và người trưởng thành vẫn có nguy cơ cao mắc sởi nếu chưa có miễn dịch từ tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc bệnh. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt... Trong đó, biến chứng viêm não do sởi xảy ra vào ngày 3 đến ngày 6 khi phát ban. Sau sởi, trẻ có nguy cơ gặp các di chứng suốt đời như liệt, điếc, chậm phát triển trí tuệ, khó khăn trong học tập. Tỷ lệ tử vong khoảng 20%.
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng sởi. Việt Nam hiện có các loại vaccine phòng sởi như mũi sởi đơn MVVAC (Việt Nam); loại phối hợp sởi - rubella (MRVAC), loại phối hợp 3 trong 1 sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ); loại phối hợp sởi - quai bị - rubella MMR II (Mỹ). Hiệu quả phòng bệnh của vaccine lên đến 98%.
Cúm
Cúm lây truyền qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt nhỏ hoặc dịch tiết mũi họng khi ho, hắt hơi, khạc nhổ... Trẻ học tập trong không gian khép kín, sinh hoạt, ăn uống cùng nhau tăng nguy cơ mắc cúm và lây nhiễm chéo.
Viêm não do cúm có thể xuất hiện sau khi có triệu chứng ho, sốt, đau họng trong 2-3 ngày. Bệnh nhi li bì, hôn mê, buồn nôn, nôn, đau đầu, co giật, rối loạn lời nói, cảm giác, yếu liệt tay chân... cũng có thể xảy ra. Nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, viêm não có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tàn tật.
Ngoài ra, cúm làm suy yếu hệ miễn dịch, dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu vàng, Hib... Virus có thể tấn công sâu vào hệ hô hấp, gây ra xơ phổi hoặc tổn thương tế bào niêm mạc đường hô hấp dưới.
WHO khuyến cáo trẻ tiêm ngừa cúm ngay khi đủ tuổi. Hiện Việt Nam có đầy đủ các loại vaccine phòng các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, và hai chủng cúm B. Trong đó, loại của Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam tiêm cho người từ 18 đến 60 tuổi. Vaccine cúm cần nhắc lại một mũi hằng năm để cập nhật với chủng cúm lưu hành theo khuyến cáo của WHO và củng cố kháng thể đã suy giảm theo thời gian.
Thủy đậu
Thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây qua giọt bắn từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, hoặc qua dịch bóng nước dính trên đồ vật truyền sang người lành.
Trẻ em khi đi học có nguy cơ nhiễm thủy đậu cao do tiếp xúc với nhau trong không gian trường lớp khép kín. Các nốt thủy đậu nếu không được chăm sóc đúng cách có nguy cơ bội nhiễm, tăng khả năng nhiễm trùng da, để lại sẹo và các biến chứng khác như viêm gan, viêm phổi.
Viêm não do virus thủy đậu ảnh hưởng chủ yếu đến người lớn và trẻ sơ sinh. Bệnh gây viêm ở nhu mô não, rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Triệu chứng viêm não do virus diễn tiến nhanh chóng, người bệnh có thể thay đổi ý thức sau 7 ngày, kể từ khi nhiễm virus.
Bác sĩ Tấn khuyến cáo tiêm vaccine để tránh nguy cơ mắc bệnh và diễn tiến nặng. Với thủy đậu, mỗi người cần tiêm đủ hai mũi, hiệu quả phòng bệnh lên đến 97%. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng thủy đậu gồm: Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn.
Não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) lây qua đường hô hấp, thông qua các hành động như ho, hắt hơi, hôn, chia sẻ thức ăn, đồ uống... Do đó, vi khuẩn có nhiều khả năng lây lan trong ở khu vực đông đúc như nhà trẻ, trường học, ký túc xá tạo thành ổ dịch. Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị lây nhiễm từ nhóm người mang vi khuẩn không triệu chứng.
Vi khuẩn gây ra hai biến chứng phổ biến là nhiễm trùng máu và viêm màng não, hoặc kết hợp cả hai. Trong đó, nhiễm trùng máu tối cấp có thể gây tử vong nhanh chỉ trong vòng 24 giờ. Ngoài ra, bệnh do não mô cầu còn gây ra các biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm màng ngoài tim...
Nhóm trẻ lớn nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh, tránh biến chứng. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng não mô cầu, gồm mũi phòng não mô cầu nhóm B (Bexsero - Italy) tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi, nhóm BC (VA-Mengoc-BC - Cuba) tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi và nhóm ACYW-135 (Menactra - Mỹ) tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi.
Để phổ bảo vệ được rộng nhất trước các nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu, mỗi người cần tiêm các loại vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu A, B, C, Y, W-135.
Ngoài vaccine, bác sĩ Tấn khuyến cáo trẻ nên được hướng dẫn cách giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay sau khi ăn, tiếp xúc gần với bạn khác. Nếu có dấu hiệu nghi mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế khám chữa, không chủ quan để bệnh trở nặng.
An Hoa