Ca sĩ Phương Mỹ Chi và nhiều người nổi tiếng kể chuyện học theo Bác Hồ

Học ở Bác, ca sĩ Phương Mỹ Chi đã vượt qua những khó khăn, những lần sợ sai để có được các sản phẩm âm nhạc lan tỏa rộng khắp; MC Khánh Vy được truyền động lực rất lớn trên hành trình chinh phục ngoại ngữ vươn ra thế giới; các nhà khoa học trẻ nỗ lực hết mình để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình dựa vào nền tảng khoa học công nghệ…
Dù học tập, công tác ở bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào, mỗi thanh niên tiên tiến đều không ngừng học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ kính yêu.
Không ngại dấn thân để cống hiến
Tại lễ tuyên dương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VIII, năm 2025, Vũ Nhật Hương, Trợ lý Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, kể về hơn một năm công tác tại Cộng hòa Trung Phi đầy kỷ niệm của mình. Hương cho biết trong 379 ngày thực hiện nhiệm vụ, mỗi ngày mở mắt ra là một ngày với nhiều kỷ niệm thật đẹp. Và những kỷ niệm đẹp đó bắt đầu từ hình ảnh gần gũi nhất, khi mỗi ngày được mặc bộ quân phục của lực lượng gìn giữ hoà bình Việt Nam, và ngay trên ngực trái của mình là biểu tượng với logo có 2 chữ Việt Nam.
"Điều đặc biệt, rất nhiều bạn bè quốc tế, người dân địa phương vô cùng phấn khởi khi được đón những sĩ quan của Việt Nam. Khi họ biết chúng tôi đến từ Việt Nam thì liền hô vang "Chủ tịch Hồ Chí Minh", chính những điều này làm chúng tôi thật sự rất xúc động và tự hào. Do đó chúng tôi luôn học tập và nỗ lực không ngừng với vai trò những sĩ quan của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế thiêng liêng", Hương tự hào kể.
Học theo Bác, luôn nỗ lực hết mình trong học tập và cống hiến, nên dù nhiệm vụ ban đầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi của Hương là sĩ quan truyền thông, nhưng khi được giao nhiệm vụ rà phá bom mình, Hương đã sẵn sàng dấn thân.
"Trong đội hình chỉ có một mình tôi là nữ, mọi người hỏi rằng có sẵn sàng nhận nhiệm vụ này không, lúc đầu tôi khá là hoang mang. Tôi nghĩ mình là nữ và đi cùng một đội quân nước ngoài nữa thì liệu có làm tốt nhiệm vụ được không. Và đặc biệt công việc ban đầu của tôi chỉ là sĩ quan truyền thông thực hiện chụp ảnh và đưa tin. Nhưng trong tích tắc tôi nghĩ khi đến đây thì phải nhận nhiệm vụ và đã là một sĩ quan của Quân đội Nhân dân Việt Nam là không được nản chí, chùn bước trước bất kỳ nhiệm vụ nào. Và tôi đã đồng ý", Hương nhớ lại và cho biết đó là chuyến công tác vô cùng gian nan nhưng rất ý nghĩa với thanh xuân của một nữ sĩ quan như Hương.
Là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, Hương tâm niệm: "Bất kể ai khi sinh ra trong hòa bình đều hiểu được giá trị của hòa bình và chúng tôi luôn coi trọng, yêu mến và sẽ tiếp bước gìn giữ nền hòa bình này. Đối với lực lượng gìn giữ hòa bình, mỗi khi chúng tôi bước ra thế giới, chúng tôi luôn tâm niệm một điều rằng hòa bình là sứ mệnh, nhân ái và trái tim. Chúng tôi không ngừng học hỏi, luôn luôn cố gắng vì màu cờ sắc áo, vì hai chữ Việt Nam thiêng liêng để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao".
Còn PGS-TS Trần Lê Hưng, ĐH Gustave Eiffel (Pháp), xúc động kể về hành trình bắt đầu sang Pháp du học của mình với xuất phát điểm không biết tiếng Pháp. Dù rất gian nan nhưng thấm sâu lời dạy của Bác, học theo Bác, anh luôn nỗ lực tự học mỗi ngày và đã vượt qua những khó khăn vì rào cản ngôn ngữ để gặt hái được nhiều thành tựu như ngày hôm nay.
"Tôi cũng có vinh dự được gặp những sử gia người Pháp, những người đã tìm hiểu về Bác rất sâu sắc và đã có những bài viết, cuốn sách xuất bản về Bác. Tất cả những điều này càng làm tôi cảm thấy rất tự hào 2 tiếng Việt Nam khi đi ra trường quốc tế.
Là thế hệ thanh niên được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của bản thân mình. Chúng tôi mang khát vọng đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thông qua khoa học và công nghệ", PGS-TS Trần Lê Hưng chia sẻ.
Sau khi nghe PGS-TS Trần Lê Hưng kể về hành trình vượt qua rào cản ngôn ngữ của mình, MC Khánh Vy (đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2025) nhớ đến câu chuyện của Bác khi mới sang Pháp. Khánh Vy kể từ những thông tin bản thân tìm hiểu được, rằng khi ở trên boong tàu muốn biết vật này nói tiếng Pháp ra sao, Bác sẽ chỉ vào vật đó và nhờ những người bạn Pháp ở trên tàu chỉ cho Bác cách đọc và viết. Sau đó, Bác mượn bút viết lên lòng bàn tay. Dù đi làm cả ngày rất vất vả nhưng về đêm Bác vẫn đọc đi đọc lại những từ đó.
"Lúc đầu Bác tập viết, ghép những từ đơn giản cho đến một câu hoàn chỉnh. Đến khi được xuất bản những bài đăng trên các tờ báo của Pháp, Bác nói rằng rất vui nhưng Bác cũng mong tòa soạn sẽ tiếp tục sửa lỗi tiếng Pháp cho Bác. Những điều này của Bác đã truyền động lực rất lớn cho những bạn trẻ trên hành trình chinh phục ngoại ngữ vươn ra thế giới và quá trình học tập suốt đời nói chung", Khánh Vy bày tỏ.
Hành trình trưởng thành thấm sâu lời dạy của Bác
Cũng được truyền cảm hứng và nguồn động lực rất nhiều từ câu chuyện học tiếng Pháp của Bác, nhờ đó mà ca sĩ Phương Mỹ Chi cho biết đã có thể vượt qua những khó khăn và sợ sai khi thực hiện các sản phẩm âm nhạc của mình.
Ca sĩ Phương Mỹ Chi kể những ngày đầu chập chững bước vào con đường nghệ thuật đã luôn giữ cho mình một lý tưởng, đó chính là lan tỏa tình yêu dân tộc, truyền thống của nghệ thuật Việt Nam thông qua âm nhạc. Nên đến thời điểm hiện tại, nữ ca sĩ rất hạnh phúc khi những sản phẩm dù nhỏ bé của mình lại được lan tỏa rất mạnh mẽ trong khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ.
"Đối với album Vũ trụ cò bay cũng là một khoảng thời gian Chi bắt buộc mình phải học rất nhiều. Bởi vì album này là lấy ý tưởng từ văn học Việt Nam. Cho nên ban đầu mình khá căng thẳng vì sợ sẽ sai sót. Nhưng khi biết câu chuyện của Bác, rằng đến khi Bác được đăng những bài báo của Pháp, Bác cũng khiêm tốn nói rằng rất mong được mọi người tiếp tục sửa lỗi chính tả để có thể học hỏi thêm. Đó là tinh thần để mỗi người trẻ như Chi có thể cảm thấy rằng sai sót không phải là điều gì đó quá đáng sợ. Bởi từ những sai sót đó chúng ta sẽ học hỏi được thêm nhiều điều và phát triển hơn", ca sĩ Phương Mỹ Chi bày tỏ.
Nữ ca sĩ chia sẻ: "Chi thấm sâu lời dạy của Bác rằng văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận và các anh chị em là chiến sĩ. Chi mong rằng không những năm nay mà nhiều năm sau nữa, đây vẫn là một mặt trận để Chi có thể cống hiến trên con đường âm nhạc. Không chỉ là để khán giả Việt Nam thêm yêu bản sắc, văn hóa, âm nhạc của dân tộc mà còn lan tỏa đến khán giả quốc tế".
Tại lễ tuyên dương, mọi người cũng vô cùng xúc động khi nghe những chia sẻ về hành trình học tập ở Bác để vươn lên của một đại biểu có khiếm khuyết cơ thể. Đó là câu chuyện của Chương Đình Phúc, sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên.
Phúc kể khi sinh ra với một cơ thể không được trọn vẹn, hai tay co rút và không thể cử động như bình thường. Đến năm 10 tuổi, bố mẹ ly hôn, nhiều biến cố xảy ra trong cuộc đời, anh chàng trở nên mất định hướng và không biết làm gì ở thời điểm đó.
"Cứ nghĩ là cuộc đời của mình không thể đi lên được nữa. Nhưng một hôm, vô tình nhận được tia sáng trong cuộc đời. Khi đọc sách ở thư viện của trường, mình đọc được những lời dạy của Bác, trong đó có câu: học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Và nghe theo lời dạy đó của Bác, mình biết bản thân cần làm gì. Và mình đã thay đổi, bắt đầu tự học, tự nghiên cứu. Khi vào đại học, mạnh dạn tham gia các phong trào Đoàn, Hội. Sau ngần đó thời gian, bây giờ mình được đứng đây, đại diện tiếng nói thanh niên với khát vọng cống hiến sức trẻ cho cộng đồng", Phúc chia sẻ.
Từ câu chuyện của mình, chàng sinh viên đến từ mảnh đất Tây nguyên, nhắn gửi: "Tất cả chúng ta ai cũng sẽ gặp những khó khăn, nhưng mong rằng các bạn hãy vượt qua hoàn cảnh, cũng đồng nghĩa là vượt qua chính mình, từ đó sẽ có cơ hội để học tập, phát triển và noi gương theo Bác Hồ kính yêu".