Nhảy đến nội dung
 

Cà Mau nhiều tiềm năng phát triển điện gió

Cà Mau là tỉnh 3 mặt giáp biển, có chiều dài bờ biển hơn 300km. Phát huy lợi thế, tỉnh đang định hướng phát triển năng lượng tái tạo, trở thành trụ cột mới trong nền kinh tế sau hợp nhất.

Tiềm năng điện gió 16.283MW

Với vị trí chiến lược, Cà Mau đang trở thành điểm sáng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực ĐBSCL. Theo ghi nhận, tốc độ gió biển của nơi đây trung bình 6,3-7m/s ở độ cao từ 80-100m, rất thuận lợi cho phát triển điện gió, càng ra khơi xa tốc độ gió càng cao.

Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, qua nghiên cứu, tiềm năng về điện gió của tỉnh có thể phát triển lên tới 16.283MW. Trên cơ sở đó, kết hợp với các yếu tố về kinh tế và hạ tầng truyền tải, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII và điều chỉnh quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 sẽ đưa vào vận hành thêm 34 dự án (DA) với tổng công suất 2.369MW. Dự kiến, trong năm 2025, tỉnh sẽ có thêm 2 DA tổng công suất 176MW đi vào vận hành.

Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư thi công 3 dự án, tổng công suất 317MW; hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng để chuẩn bị thi công 7 DA tổng công suất 369MW. Ngoài ra, 2 DA với tổng công suất 150MW đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, phát hành hồ sơ mời quan tâm làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư.

Song song đó, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan phối hợp tổng hợp thông tin, nội dung, tham mưu xây dựng đề án và trình Bộ Công thương thẩm định, nhằm xây dựng hoàn thiện đề án xuất khẩu điện của tỉnh.

Văn phòng Chính phủ đã có công văn về thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung xuất khẩu điện vùng biển ngoài khơi tỉnh Cà Mau và đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi trình cấp thẩm quyền giải quyết.

Hiện, DA xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (cũ) công suất 2.000-5.000MW và 10.000MW điện gió ngoài khơi xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu (cũ) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong danh mục của điều chỉnh quy hoạch điện VIII.

Sở Công thương đang phối hợp với các đơn vị tư vấn, liên hệ, kết nối với các nhà đầu tư quan tâm để nghiên cứu phương án, hình thức triển khai xuất khẩu điện từ Việt Nam sang Singapore về các nội dung như: Đề xuất DA đầu tư, phân chia ranh giới đầu tư các DA thành phần, trách nhiệm đầu tư thuộc về ai, tổng mức đầu tư... làm cơ sở lập kế hoạch triển khai trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Cung cấp cho lưới điện quốc gia gần 6 tỉ kWh

Được sự quan tâm của các cơ quan thẩm quyền, việc triển khai các DA điện gió tại Cà Mau gặt hái nhiều thành công. Hiện, toàn tỉnh có 694,2MW đang vận hành. Tính từ lúc vận hành vào tháng 11.2021 đến nay, tỉnh đã cung cấp cho lưới điện quốc gia tổng sản lượng gần 6 tỉ kWh.

Bên cạnh thuận lợi, Cà Mau cũng nhìn nhận trong quá trình triển khai các DA vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Hệ thống lưới điện truyền tải chưa hoàn thiện do công tác triển khai thực hiện các DA lưới điện truyền tải theo quy hoạch còn chậm.

Ngoài ra, các DA điện gió chậm tiến độ vận hành để hưởng ưu đãi về giá điện mất thời gian dài chờ đợi cơ chế giá điện mới, làm thiệt hại cho nhà đầu tư, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Khi cơ chế giá điện mới được ban hành, các nhà đầu tư gặp khó trong đàm phán giá điện. Đến nay, trong 3 nhà máy đang hoạt động với giá điện tạm thời mới, chỉ có một nhà đầu tư đàm phán được giá điện vào tháng 3.2025.

Luật Điện lực năm 2024 ban hành và các nghị định mới hướng dẫn thi hành luật có nhiều cơ chế ưu đãi khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, giá điện vẫn là rào cản chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo quy hoạch được duyệt, ngoài phát triển điện gió, tỉnh còn quan tâm đầu tư phát triển các nguồn điện khác như nhiệt điện, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác, LNG... Trong đó có DA mở rộng Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, công suất 1.500MW; DA xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau công suất 2.000 - 5.000; DA Nhà máy điện mặt trời Ngọc Hiển, công suất 50MW; Nhà máy điện sinh khối Khánh An, công suất 4MW; Nhà máy điện rác Năm Căn, công suất 6MW và Nhà máy điện mặt trời kết hợp hệ thống pin lưu trữ An Phúc Đông Hải, công suất 50MW; Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, công suất 10.000MW (điện gió xuất khẩu.

Ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết Cà Mau và Bạc Liêu có nhiều tương đồng về tiềm năng lợi thế, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên. Sau hợp nhất, 2 tỉnh có nhiều lợi thế nổi trội so với các tỉnh trong vùng về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản và năng lượng tái tạo. Tỉnh Cà Mau mới với những bước đi chiến lược, định hướng vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ sinh thái và đảm bảo sinh kế cho hàng triệu người dân.

Sau hợp nhất, Cà Mau có tổng 59 DA điện gió, trong đó 14 DA đã vận hành thương mại, với tổng công suất 694,2MW; 3 DA đang triển khai thi công, với tổng công suất 317MW; 7 DA đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng công suất 369MW; 22 DA được phê duyệt tăng thêm trong giai đoạn 2025 - 2035, với tổng công suất 2.026MW.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn