Nhảy đến nội dung
 

Cá đuối giật điện khiến cá mập bỏ chạy

Theo National Geographic, trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Ethology, các nhà khoa học phát hiện cá đuối điện có thể xua đuổi cả cá mập hổ và cá mập trắng bằng cách phóng ra những cú sốc điện cực mạnh. Trong khi cá đuối điện được biết đến với khả năng sử dụng "súng điện" tự nhiên để săn mồi, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy chúng còn dùng nó để tự vệ. Yannis Papastamatiou, nhà sinh thái học tại Đại học Quốc tế Florida, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng cách tự vệ này rất hiệu quả.

Phân bố ở đại dương ôn đới và nhiệt đới trên toàn thế giới, phần lớn cá đuối điện dài chưa đến một mét. Nhưng một số loài như cá đuối điện Đại Tây Dương có thể dài tới 1,8 mét và nặng 90 kg. Những con lớn nhất trong số này có thể phát ra cú sốc điện trên 200 volt, đủ quật ngã một người. Khi được kích thích bởi hệ thần kinh của cá đuối, cơ quan hình thận ở hai bên đầu của chúng giải phóng ion mang điện tích, thường để giật con mồi nhỏ làm thức ăn.

Cá đuối điện cũng không ngại tiếp cận con người và cá mập lớn. Papastamatiou lần đầu tiên chứng kiến sự táo bạo của chúng khi nghiên cứu hành vi ăn uống của cá mập trắng lớn ngoài khơi đảo Guadalupe của Mexico năm 2018. Ông và đồng nghiệp gắn camera lên vây lưng của 6 con cá mập.

Trong video, một con cá mập trắng lớn tiếp cận cá đuối điện Thái Bình Dương trong cột nước. Khi cá mập đến gần, cá đuối dường như uốn cong vây ngực, tư thế thường dùng khi giật con mồi, khiến cá mập hoảng sợ và bơi vọt lên. Hai phút sau, cá mập quay lại, nhưng bơi qua cá đuối. Tất cả cá mập sở hữu hệ thống thụ cảm độc đáo cho phép chúng phát hiện trường điện yếu do sinh vật sống tạo ra. Vì vậy, chúng cực kỳ nhạy cảm với điện. Sau đó, năm 2024, một hướng dẫn viên lặn biển tên Ali Ansaar ghi lại một cảnh tương tự ở Fuvahmulah, Maldives, giữa một con cá đuối điện vịnh và cá mập hổ.

Trong nghiên cứu mới, Papastamatiou và đồng nghiệp xem lại các đoạn phim trước đây, bao gồm thí nghiệm họ thực hiện vào cuối thập niên 1990 trên cá đuối điện Thái Bình Dương ngoài khơi Palos Verdes, California, và tìm thấy nhiều ví dụ hơn về hành vi này. Để quan sát sự khác biệt giữa cú sốc săn mồi và phòng thủ, nhóm nghiên cứu cho cá đuối Thái Bình Dương ăn cá tươi hoặc chọc gậy vào lưng chúng. Cá đuối phát ra cú sốc điện mạnh tương tự để đáp lại cả hai kích thích, cú sốc ngắn và nhanh hơn khi chúng bị chọc vào lưng.

Do nghiên cứu này chỉ bao gồm đến cá đuối điện Thái Bình Dương và cá đuối điện vịnh, các chuyên gia cần tìm hiểu thêm để xác định liệu tất cả cá đuối điện có khả năng xua đuổi cá mập lớn hay không. Khả năng đẩy lùi cá mập của chúng có thể phụ thuộc vào kích thước, theo Dave Ebert, nhà khoa học chuyên về cá mập tại Đại học San Jose. Cá đuối nhỏ hoặc chưa trưởng thành có thể không tạo ra đủ điện để xua đuổi cá mập, trong khi một cú sốc từ một con cá đuối lớn hơn đủ giúp chúng thoát khỏi hàm của kẻ săn mồi.

Nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện của họ không chỉ thay đổi hiểu biết về khả năng phòng thủ của cá đuối điện mà còn giúp con người thiết kế phương pháp tốt hơn để ngăn cá mập tới gần.

An Khang (Theo National Geographic/IFL Science)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn