Bước đột phá giúp kinh tế tư nhân phát triển

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp, luật sư đều nêu rõ nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ...
Đó còn là lời khẳng định rõ ràng về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.
* Đại biểu HOÀNG VĂN CƯỜNG (thành viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội):
Xóa bỏ rào cản để doanh nghiệp lớn lên
Kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và khu vực này đang chiếm trên 80% lực lượng lao động, cũng như chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Điều đó cho thấy kinh tế tư nhân có tiềm năng phát triển rất lớn cần khai thác và huy động hiệu quả hơn nữa.
Đặc biệt trong kỷ nguyên mới, khu vực kinh tế tư nhân có ưu thế vượt trội nhờ sự linh hoạt, khả năng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng tiếp cận cái mới.
Đây sẽ là lực lượng tiên phong trong ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh.
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ra đời không chỉ đánh giá cao vị thế, vai trò của kinh tế tư nhân mà nêu rõ các mục tiêu cần phải đạt được như về quy mô các doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp phải đạt tầm cỡ quốc tế, mang tính toàn cầu.
Đồng thời chỉ ra những giải pháp cần phải hành động, đặc biệt là vấn đề thể chế, để tạo ra những đột phá. Trên cơ sở định hướng của nghị quyết và từ bài "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư khẳng định phải hành động ngay.
Chúng ta phải xóa bỏ những gì thuộc về rào cản, về mặt hành chính để doanh nghiệp lớn lên, đồng thời hỗ trợ để doanh nghiệp có tiềm lực phát triển.
Điểm yếu vừa qua chính ở sự liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân chưa tốt, nhưng với nghị quyết 68 có thể kỳ vọng thời gian tới sẽ hình thành thêm các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh để lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khác. Từ đó tạo sức mạnh tổng thể cho phát triển kinh tế đất nước.
* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (đoàn Bình Dương):
Giúp doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư
Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp 50% GDP, 82% việc làm nhưng gặp rất nhiều trở ngại, trong đó có trở ngại về pháp lý, nhiều doanh nghiệp hoạt động luôn nơm nớp nỗi lo bị xử lý hình sự.
Với nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã giúp doanh nghiệp cảm thấy yên tâm hơn, bởi trong thực tế có rất nhiều doanh nghiệp không cố tình làm trái mà vô tình vi phạm pháp luật do văn bản pháp lý chưa rõ ràng. Đây cũng là lý do doanh nghiệp còn e dè.
Tôi đã tiếp xúc rất nhiều doanh nghiệp FDI và có đặt câu hỏi cho họ về nguyên nhân khiến họ còn e dè khi đầu tư vào Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp cho hay tại khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ xếp thứ 3 về thứ tự ưu tiên đầu tư, sau Thái Lan và Indonesia, nguyên nhân là hai nước này có hành lang pháp lý minh bạch và dễ hiểu hơn nước ta.
Với nghị quyết 68, hành lang pháp lý sẽ rõ ràng hơn, từ đó môi trường kinh doanh được cải thiện và giúp Việt Nam thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, không chỉ đầu tư của khu vực tư nhân trong nước mà còn thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Một điểm quan trọng cũng khiến nhiều doanh nghiệp rất mừng đó là nghị quyết 68 quy định không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp.
Cũng cần nói thêm nghị quyết 68 không thể thành công nếu "đi một mình" mà phải triển khai cùng lúc cùng "bộ tứ chiến lược".
Như Thủ tướng đã nói, "bộ tứ chiến lược này" chính là nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; nghị quyết 66 về xây dựng và thực thi pháp luật và nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. 4 nghị quyết này phải thực hiện song hành và thể chế hóa để triển khai đồng bộ mới thành công.
* Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC):
Thể hiện rõ tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế
Với quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, lĩnh vực dân sự đã được nhắc tới nhiều trong các nghị quyết.
Đặc biệt là nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cho thấy những tư tưởng, định hướng, chủ trương dứt khoát hơn về vấn đề này.
Thực tế ranh giới giữa vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính với vi phạm hình sự ngày càng phức tạp, đan xen, chồng lấn, khó phân biệt tách bạch, khó xử lý.
Vì vậy có thể có sự nhầm lẫn giữa dấu hiệu vi phạm dân sự, kinh tế, hành chính với dấu hiệu vi phạm hình sự.
Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định "khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu".
Bộ luật Dân sự còn quy định rõ thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 2 năm. Thế nhưng suốt mấy chục năm qua, chỉ cần lừa dối từ 2 triệu đồng trở lên (thậm chí ít hơn nếu đã bị xử phạt hành chính hay đã có tiền án...) sẽ đủ dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu một doanh nhân lừa dối, lừa đảo 2 triệu đồng, ngay cả trong trường hợp tranh chấp hợp đồng thì có bị xem là tội phạm không? Trên thực tế, có nhiều tội phạm khác về kinh tế cũng có nguy cơ xác định không rõ ràng hành vi.
Thực tế này dẫn tới khi áp dụng các quy định đã không thống nhất, nhiều trường hợp có hành vi vi phạm bị bất lợi khi bị đưa vào tội hình sự.
Đơn cử như trong Bộ luật Hình sự có quy định bất cập như các tội lập quỹ trái phép, đầu tư, làm hàng giả, lừa dối khách hàng, cho vay nặng lãi hay các hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng tài chính có nguy cơ bị hình sự hóa cao hơn các lĩnh vực khác. Do đó nếu gấp rút sửa đổi Bộ luật Hình sự thì chắc chắn sẽ khắc phục được vấn đề này.
Thêm vào đó, cần thể chế các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Chúng ta đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo công bằng để người dân và doanh nghiệp an tâm kinh doanh, đầu tư hơn.
Bởi nghiêm minh không có nghĩa là đều phải xử lý hình sự, mà ưu tiên xử lý, khắc phục hậu quả kinh tế, hạn chế dùng biện pháp hình sự hoặc nếu buộc phải xử lý hình sự thì ưu tiên phạt tiền, giảm hình phạt tù.
* Ông NGUYỄN VĂN THẮNG (Tập đoàn Hưng Thịnh):
Tạo cơ chế sửa sai thay vì trừng phạt
Trên thực tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh luôn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh pháp luật thay đổi nhanh chóng, việc vận dụng đôi khi chưa thống nhất giữa các cơ quan thực thi pháp luật.
Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự đã từng gây ra tâm lý lo ngại, thậm chí làm triệt tiêu tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo và sự năng động của khu vực tư nhân.
Do đó, quy định cho phép doanh nghiệp được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại là cần thiết và hợp lý, giúp tạo ra cơ chế sửa sai mang tính xây dựng, thay vì chỉ trừng phạt.
Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ lợi ích của người lao động, cổ đông và nền kinh tế nói chung.
Ngoài ra, nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi để bảo đảm tính dự báo, ổn định của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, để nghị quyết 68 phát huy hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt trong việc rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan; đồng thời, đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật cần thay đổi tư duy, tránh máy móc trong áp dụng pháp luật, đảm bảo nguyên tắc xử lý đúng người, đúng việc, đúng bản chất.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ thực sự trở thành trung tâm trong phát triển kinh tế, với niềm tin pháp lý được củng cố và cam kết đầu tư dài hạn mạnh mẽ hơn.
Chủ trương này sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng được nguồn doanh nhân tốt, chân chính từ đó tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế, lao động, đổi mới sáng tạo.
Doanh nghiệp sẽ mạnh mẽ dấn thân, vươn mình phát triển ra tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời những dự án, công trình của các doanh nghiệp bị tắc nghẽn do vướng các vụ việc chưa được giải quyết sẽ có cơ hội được khơi thông, tạo nguồn lực phát triển lớn cho xã hội.