Bùng nổ drone, Mỹ báo động nguy cơ va chạm máy bay

TPO - Nguy cơ va chạm giữa máy bay thương mại và thiết bị bay không người lái (drone) tại Mỹ đang gia tăng đáng báo động, trong bối cảnh số lượng drone hoạt động gần các sân bay lớn tăng mạnh trong những năm gần đây.
Đơn cử là tháng 11/2024, một chiếc máy bay thương mại đang trong giai đoạn hạ cánh xuống sân bay quốc tế San Francisco thì phi hành đoàn phát hiện một chiếc drone bay sát khoang lái, chỉ cách kính chắn gió khoảng 90m. “Đã quá muộn để tránh né”, phi công báo cáo sau sự việc.
![]() |
Một máy bay không người lái bay tại một trong những địa điểm thử nghiệm máy bay không người lái được FAA chỉ định. |
Tháng 10/2024, một máy bay chở khách khác đang bay ở độ cao 1.200m, gần sân bay quốc tế Miami cũng gặp phải một “tình huống suýt va chạm” với drone. Tháng 8 cùng năm, một drone bay sát cánh trái của máy bay vừa cất cánh từ sân bay Newark, chỉ cách khoảng 15m.
Tất cả các tình huống này đều được xếp loại là “suýt va chạm trên không” - những sự cố có thể gây hậu quả thảm khốc nếu xảy ra va chạm thực sự, theo đánh giá của các chuyên gia an toàn hàng không. Đáng lo ngại hơn, đây không phải là những trường hợp đơn lẻ.
Một phân tích của hãng tin AP dựa trên cơ sở dữ liệu an toàn hàng không cho thấy, trong năm qua, drone chiếm gần 2/3 số vụ suýt va chạm được ghi nhận tại 30 sân bay bận rộn nhất nước Mỹ. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2020, thời điểm giao thông hàng không sụt giảm mạnh do đại dịch COVID-19.
Những báo cáo đầu tiên về việc drone suýt va chạm máy bay bắt đầu xuất hiện từ năm 2014. Số lượng các vụ việc tăng vọt chỉ một năm sau đó. Trong một thập kỷ qua, drone đã góp mặt trong 51% số vụ suýt va chạm được ghi nhận (122 trong tổng số 240 vụ), theo phân tích của AP.
![]() |
Các đội cứu hộ và cứu nạn kéo lên một phần của trực thăng Black Hawk của quân đội đã va chạm giữa không trung với một máy bay phản lực của American Airlines. |
Máy bay thương mại từ lâu đã đối mặt với rủi ro quanh khu vực sân bay, từ chim trời đến không phận chật chội. Nhưng sự xuất hiện ồ ạt của drone trong thập kỷ gần đây, đặc biệt là loại drone tầm xa, giá rẻ, dễ điều khiển đã khiến mối nguy trở nên trầm trọng hơn.
“Chỉ cần có tiền, bạn có thể lên mạng mua một chiếc drone khá hiện đại, bay đến độ cao mà chúng không nên đến”, Giáo sư William Waldock thuộc Đại học Hàng không Embry-Riddle cảnh báo.
Hiện nay, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ước tính có hơn 1 triệu drone đang được sử dụng cho mục đích giải trí và thương mại trên khắp nước Mỹ. Mối đe dọa lớn nhất là tại khu vực quanh sân bay - nơi mà hành trình của máy bay và drone có nguy cơ giao nhau nhiều nhất.
Tuy nhiên, các dữ liệu ghi nhận vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế. Cơ sở dữ liệu của NASA - Hệ thống báo cáo an toàn hàng không chủ yếu dựa vào báo cáo tự nguyện từ phi công và nhân viên ngành hàng không. Một chương trình khác của FAA, bao gồm cả thông tin từ người dân, ghi nhận ít nhất 160 trường hợp drone bay gần sân bay chỉ trong tháng trước.
FAA hiện đã có một số biện pháp hạn chế drone hoạt động gần sân bay, như yêu cầu đăng ký đối với drone nặng trên 250g, cài đặt thiết bị định danh phát tín hiệu vị trí và chủ sở hữu. Tuy nhiên, quy định khó thực thi triệt để, đặc biệt với người chơi drone giải trí không nắm rõ luật.
Cơ quan này cũng đang thử nghiệm các hệ thống phát hiện và đối phó với drone, bao gồm việc sử dụng sóng vô tuyến để gây nhiễu hoặc buộc drone hạ cánh, hoặc dùng sóng vi ba hay tia laser để vô hiệu hóa chúng.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng cần thêm hành động quyết liệt hơn. Một số đề xuất bao gồm lắp đặt hệ thống tương tự camera phạt tốc độ giao thông, ghi lại mã định danh drone để gửi giấy phạt đến người điều khiển; hoặc buộc các nhà sản xuất lập trình hệ thống định vị GPS để không cho phép drone bay vào khu vực nhạy cảm như sân bay, được gọi là “rào ảo” (geofencing).
![]() |
Một máy bay không người lái lơ lửng trên không phận bên ngoài vành đai an toàn xung quanh Sân bay quốc tế St. Louis Lambert khi một máy bay chở khách đang chuẩn bị hạ cánh vào ngày 10/3. |
DJI - hãng sản xuất drone hàng đầu thế giới, từng áp dụng công nghệ geofencing, nhưng đã loại bỏ tính năng này từ tháng 1 năm nay. Thay vào đó, người dùng sẽ chỉ nhận được cảnh báo nếu bay gần khu vực hạn chế. Theo DJI, việc xử lý hơn 1 triệu yêu cầu vô hiệu hóa tạm thời geofencing trong năm ngoái đã vượt quá khả năng của họ.
FAA từ chối bình luận về việc liệu cơ quan này có đang cân nhắc bắt buộc geofencing hay không.
Trong khi đó, một số vụ việc đã dẫn đến truy tố hình sự. Tháng 12/2024, cảnh sát Boston đã bắt giữ hai người đàn ông điều khiển drone bay nguy hiểm gần sân bay Logan. Cảnh sát tìm ra họ nhờ tín hiệu từ thiết bị định danh bắt buộc gắn trên drone.
Tháng 1 vừa qua, một chiếc drone va chạm với máy bay “Super Scooper” đang làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Nam California, tạo một lỗ thủng ở cánh trái khiến máy bay phải ngừng hoạt động vài ngày để sửa chữa. Người điều khiển drone là một người đàn ông 56 tuổi đã nhận tội vi phạm quy định bay của liên bang.
Vụ việc là lời cảnh báo rõ ràng rằng, nếu không hành động kịp thời, những chiếc drone nhỏ bé có thể gây ra hậu quả không lường trước trong không phận hàng không dân dụng.