Nhảy đến nội dung
 

Bùi Thạc Chuyên nói về kết mới của 'Địa đạo'

Triển lãm chiếu phim "Âm vang đại thắng mùa Xuân 1975" diễn ra tối 28/4. Tại sự kiện, ê-kíp "Địa đạo" chia sẻ về phiên bản mới và quá trình sản xuất khó khăn của dự án.

Tối 28/4, chương trình triển lãm chiếu phim Âm vang đại thắng mùa Xuân 1975 trong điện ảnh đã diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Bên cạnh hoạt động vinh danh những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu của TP.HCM và chiếu phim công cộng, chương trình còn tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ đoàn làm phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Tham dự buổi giao lưu có đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn, cùng các diễn viên: NSƯT Cao Minh, Hồ Thu Anh, Khánh Ly, Hoàng Minh Triết... Tại đây, khán giả có dịp tìm hiểu thêm về quá trình sản xuất bộ phim cũng như những câu chuyện hậu trường gắn liền với chủ đề lịch sử.

Bùi Thạc Chuyên tiết lộ về phiên bản mới của "Địa đạo"

Chia sẻ tại buổi giao lưu, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết ý tưởng thực hiện Địa đạo manh nha từ năm 2014, sau một chuyến đi về Củ Chi và gặp gỡ các cô chú du kích từng sống, chiến đấu ở đó. Từ đây, ông bắt tay viết kịch bản, bắt đầu từ năm 2014 đến 2016, và miệt mài tìm kiếm nguồn lực để thực hiện dự án. Phải đến năm 2022, may mắn đúng vào thời điểm đất nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất, ê-kíp mới có đủ điều kiện để hoàn thiện bộ phim.

"Việc Địa đạo có thể ra mắt khán giả hôm nay là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi và tất cả anh em ê-kíp. Tôi biết ơn những người đã đóng góp công sức cho bộ phim", Bùi Thạc Chuyên bày tỏ.

Dai dao anh 1

Đoàn phim Địa đạo tại triển lãm chiếu phim Âm vang đại thắng mùa Xuân 1975. Ảnh: Văn Hà.

Đạo diễn tiếp lời: "Với Củ Chi, tôi thấy như mình bắt được một kho báu để làm phim. Ở đó, có thể nhìn thấy tinh thần người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một tinh thần rất đặc biệt, không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới. Thực chất, cuộc chiến khốc liệt hơn rất nhiều so với những gì mình nghĩ, và phim cũng chỉ phản ánh được một phần nhỏ".

Trong quá trình thực hiện, ê-kíp Địa đạo đặc biệt chú trọng tái hiện không khí chiến đấu của vùng đất Củ Chi năm xưa, với những lựa chọn bối cảnh khắc nghiệt và cách xây dựng nhân vật thầm lặng, bền bỉ. Theo đạo diễn, đa số những anh hùng tại Củ Chi đều chiến đấu và hy sinh dưới lòng đất, không ai biết tới, không có sự hào hùng, rực rỡ nào. Đó là nỗi đau âm ỉ, lặng lẽ nhưng mãnh liệt về cảm xúc.

"Tôi muốn nhân vật trong phim giống như những người du kích Củ Chi năm xưa, và cái chết của họ cũng thầm lặng như vậy. Nhưng có lẽ, đó lại là một suy nghĩ hơi khắc nghiệt đối với khán giả", Bùi Thạc Chuyên chia sẻ.

Ông cũng cho biết thêm, sau quá trình lắng nghe phản hồi, ê-kíp đã quyết định phát hành một phiên bản mới của Địa đạo. Bản phim này sẽ có một cái kết khác, đơn cử như tuyến truyện của nhân vật Bảy Theo sẽ rõ ràng hơn, trước khi chết anh ấy sẽ như thế nào. Đạo diễn hy vọng cái kết mới sẽ mang đến cho người xem cảm giác hài lòng hơn.

"Với phiên bản mới, chúng tôi mong muốn khán giả cảm nhận được tinh thần lạc quan toát lên từ các nhân vật trong phim. Dù phải hy sinh, họ vẫn giữ vững niềm tin vào một ngày mai tươi sáng", ông cho biết.

"Địa đạo" sẽ không thành hình nếu như không được Nhà nước hỗ trợ

Quá trình sản xuất Địa đạo gặp nhiều thách thức do bối cảnh phim chủ yếu diễn ra dưới lòng đất. Nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn cho biết khi mới nhận kịch bản, bản thân anh cùng ê-kíp đều lúng túng, phải cùng nhau tìm tòi phương án thực hiện vì trước đó chưa từng có dự án nào tương tự.

"Tôi từng trực tiếp xuống địa đạo Củ Chi, chỉ cần chui, bò một đoạn ngắn đã thấy rất mệt mỏi, nên việc quay phim 12 tiếng mỗi ngày là điều bất khả thi. Vì vậy, chúng tôi quyết định dựng lại toàn bộ hệ thống đường hầm giả trên một phim trường", nhà sản xuất chia sẻ.

Dai dao anh 2

"Với Củ Chi, tôi thấy như mình bắt được một kho báu để làm phim. Ở đó, có thể nhìn thấy tinh thần người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một tinh thần rất đặc biệt, không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới", đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ.

Song càng tiến hành, đoàn phim càng nhận ra những khó khăn lớn về kỹ thuật và điều kiện sản xuất. Nguyễn Trí Viễn cho biết may mắn là Địa đạo mang ý nghĩa lịch sử lớn - hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày hòa bình, thống nhất đất nước - nên dù là dự án tư nhân, phim nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Bộ Quốc phòng và chính quyền TP.HCM.

Anh nói: "Lúc khó khăn nhất, tôi tìm đến cửa của chị Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, nhờ chị giúp đỡ. Chị Thúy sau đó đã gặp Bộ Tư lệnh TP.HCM, Quân khu 7, huyện Củ Chi, và tham mưu cho TP.HCM hỗ trợ đoàn phim, tìm mọi phương án để giúp chúng tôi tiếp tục sản xuất".

Diễn viên Hồ Thu Anh, người đảm nhận vai nữ du kích Ba Hương, chia sẻ rằng khi nhận vai diễn, cô và toàn bộ diễn viên đều trải qua khoảng ba tháng tiền kỳ. Trong đó, có một tháng huấn luyện quân sự, học cách sử dụng khí tài, súng ống một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, dàn diễn viên còn có cơ hội sống cùng những nhân chứng lịch sử tại địa đạo Củ Chi.

Với NSƯT Cao Minh, thử thách lớn nhất khi tham gia Địa đạo là thể lực. Vì tuổi đã cao, nam diễn viên không tránh được việc kiệt sức, mệt mỏi, song ông không dám than thở nhiều vì sợ phiền đoàn phim.

NSƯT Cao Minh cũng tâm sự thêm rằng với thế hệ diễn viên trẻ tham gia Địa đạo, phần lớn đều sinh ra trong thời bình, nên để kết nối với nhân vật, họ gần như phải sống trọn vẹn trong câu chuyện phim. "Tất cả diễn viên gần như không còn xưng hô ngoài đời, mà chỉ gọi nhau bằng tên nhân vật. Các nhân vật như đã ăn sâu vào họ", ông bộc bạch.

Hồi ký bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu cuộc 'bùng nổ' sách dịp 30/4

Vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, thị trường sách lịch sử chứng kiến sức mua bùng nổ với các ấn phẩm vạn bản. Trong đó, hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã trở thành hiện tượng đặc biệt.

Không chỉ riêng cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình, nhiều đầu sách khác như Thành phố Hồ Chí Minh: Giờ khắc số 0, Những biên bản cuối cùng tại Nhà Trắng, Thư vào Nam cũng ghi nhận lượng đơn đặt hàng lớn. Những tín hiệu tích cực này phản ánh sự quan tâm đặc biệt của độc giả đối với những câu chuyện chân thực từ lịch sử.