Nhảy đến nội dung
 

Bức ảnh săn sale có thể khiến hàng ngàn người bất khóc

Đằng sau bức ảnh là một câu chuyện có thể khiến nhiều người rưng rưng nước mắt.

Có con rồi, bố mẹ nào cũng muốn cho con có cuộc sống đủ đầy nhất. Tuy nhiên vì nhiều lý do như làm ăn khó khăn, tiền lương sụt giảm,... họ đành ngậm ngùi để con mình chịu thiệt và tự nhủ sẽ cố gắng hơn để con được nhận về những gì tốt đẹp nhất.

Con 4 tuổi chưa từng được mặc quần áo mới

Lời tâm sự của người mẹ này có thể khiến nhiều người làm cha mẹ rưng rưng nước mắt: "Mai là sinh nhật con em tròn 4 tuổi. Con sinh ra trong thời điểm dịch bùng phát, chồng em khi ấy mất việc do công ty giải thể, gia đình nợ nần phải bán nhà để trả nợ ngân hàng... Bao khó khăn chồng chất, đến nay mọi thứ đã ổn định rồi, em hỏi con thích quà sinh nhật gì thì nó bẽn lẽn bảo con muốn 1 bộ quần áo mới.

Trời ơi em đã đối xử với con em quá khắc nghiệt, từ khi sinh ra đến bây giờ thứ duy nhất em mua mới cho con là bình sữa và khăn xô, còn lại quần áo là em xin của nhà các anh chị trong họ, ngay cả Tết thì cả nhà em cũng không có lấy bộ quần áo mới.

Nghe con nói như vậy mà em thắt lòng. Em hứa với con là sinh nhật sẽ có quần áo mới nhưng người mẹ thất bại như em cũng chỉ dám săn sale mới mua nổi cho con bộ quần áo mới giá rẻ. Nghĩ mà thương con mình nó hiểu chuyện đến mức đau lòng. Từ giờ em phải năng mua quần áo mới cho con, dù là rẻ thì trẻ con nó cũng thích đồ mới".

Có thể thấy, vì kinh tế khó khăn, cặp bố mẹ này chưa từng mua quần áo mới cho con, thậm chí vào cả dịp đặc biệt như Tết, bé cũng phải mặc quần áo cũ được xin từ họ hàng. Cũng vì thế, trong ngày sinh nhật lần thứ 4 của con, người mẹ không khỏi đau lòng khi con nhỏ nói rằng bé chỉ muốn 1 bộ quần áo mới. Dẫu thương con, cô cũng chỉ có thể săn sale quà tặng con và tự hứa từ sau này, dù hoàn cảnh kinh tế thế nào, cũng sẽ cố gắng mua nhiều quần áo mới cho con mình.

Ngay khi hình ảnh và câu chuyện này được đăng tải lên mạng xã hội thì đã thu hút nhiều chú ý. Phía dưới bài đăng, hầu hết comment đều bày tỏ sự xúc động và đồng cảm trước hoàn cảnh của gia đình này.

"Nhà em cũng vậy này chị. Em cho con ra hiệu thuốc mua thuốc thì bé muốn mua 1 lọ kẹo C nên em mua cho con. Nhưng sau đó em thấy hiệu thuốc có cả chai sữa yến của trẻ con hình rất đẹp, em thấy con cứ nhìn, em hỏi con có muốn uống không thì con gật đầu kiểu e dè sợ mẹ không có tiền. Rồi con bảo mẹ mua cho con 1 thứ thôi và con bỏ lại lọ kẹo C đó. Em thương con vì nó hiểu cho mẹ, nên em bảo con không cần bỏ lại nay mẹ mua cả hai thứ cho con nhé. Con cảm ơn mẹ và rất vui mừng. Tự nhiên em thấy thương con mình quá" , một người viết.

"'Sông có khúc người có lúc'. Mình cũng từng rơi vào cảnh khốn khổ khốn cùng. Bây giờ cũng qua rồi. Cố lên nhé mom", một người khác động viên.

"Mong con sẽ biết quý trọng đồng tiền và có ý chí, có lòng biết ơn. Mình cũng thế, nên là bạn hãy thấy đó cũng là động lực cho con phấn đấu. Cố lên ạ!", một bạn trẻ nhắn nhủ.

Làm sao để vợ chồng gia tăng quỹ tiết kiệm cho gia đình

Tiền không mua được hạnh phúc, nhưng thiếu tiền thì hạnh phúc dễ lung lay. Câu nói tưởng chừng đơn giản này lại phản ánh rất đúng thực tế của cuộc sống gia đình. Một cuộc sống gia đình muốn ổn định, con cái được mua những thứ mình thích thì không thể thiếu đi nền tảng tài chính vững vàng. Và để làm được điều đó, xây dựng và gia tăng quỹ tiết kiệm chung là việc vợ chồng nào cũng nên ưu tiên, nhất là trong bối cảnh giá cả leo thang, rủi ro kinh tế tiềm ẩn khắp nơi như hiện nay.

1. Bắt đầu bằng một cuộc đối thoại trung thực về tài chính

Nhiều cặp đôi ngại bàn chuyện tiền bạc vì sợ... mất lãng mạn. Nhưng chính việc giấu giếm, lơ là chuyện tiền mới là nguyên nhân làm rạn nứt hôn nhân.

Hãy dành một buổi tối không điện thoại, không TV, chỉ để ngồi xuống và chia sẻ với nhau:

- Tổng thu nhập thực tế mỗi tháng là bao nhiêu?

- Các khoản chi cố định gồm gì? (tiền nhà, điện nước, học phí con…)

- Những khoản chi linh tinh đang "ngốn" tiền vô ích là gì?

- Có nợ không? Bao nhiêu? Lãi suất ra sao?

- Ước mơ tài chính của cả hai trong 5–10 năm tới?

Một cuộc đối thoại trung thực sẽ giúp hai vợ chồng "đồng lòng cùng chèo", đặt nền móng để tạo quỹ tiết kiệm chung thay vì tiêu pha mù mờ, mạnh ai nấy lo.

2. Mở một tài khoản tiết kiệm chung, mỗi tháng tự động trích tiền

Thay vì chờ cuối tháng mới bỏ ống heo, hãy trích một khoản cố định ngay khi vừa nhận lương, chuyển thẳng vào tài khoản tiết kiệm chung của hai vợ chồng. Đây có thể là sổ tiết kiệm ngân hàng, tài khoản online lãi suất cao, hoặc quỹ đầu tư có tính thanh khoản tốt.

Một số cặp đôi chọn cách chia vai trò: chồng lo phần chi tiêu, vợ lo phần tiết kiệm; hoặc ngược lại. Cũng có người quy định: mỗi tháng cả hai cùng đóng góp 10–20% lương vào quỹ chung, còn lại ai giữ riêng phần nào thì tùy.

3. Giảm bớt rò rỉ tài chính bằng những thói quen nhỏ

Nhiều cặp vợ chồng kiếm được không ít tiền nhưng vẫn… hết sạch vì không kiểm soát được những khoản chi vặt như:

- Cà phê sáng mỗi ngày: 30.000đ x 30 ngày = 900.000đ/tháng

- Ship đồ ăn 4 lần/tuần: 50.000đ x 16 = 800.000đ/tháng

- Mua sắm online "nhỏ thôi mà": 200.000đ x 5 đơn = 1.000.000đ/tháng

Cộng lại, bạn đang mất hơn 2,5 triệu/tháng cho những thứ hoàn toàn có thể tiết chế. Nếu hai vợ chồng cùng rà soát chi tiêu định kỳ, bạn sẽ bất ngờ với số tiền "bốc hơi" không lý do.

4. Tăng thu nhập thay vì chỉ cắt giảm chi tiêu

Tiết kiệm bằng cách giảm chi là bước đầu. Nhưng muốn gia tăng quỹ tiết kiệm bền vững, phải tăng thu.

- Ai có kỹ năng dạy học, viết lách, thiết kế… có thể làm thêm ngoài giờ.

- Nếu vợ hoặc chồng rảnh cuối tuần, có thể bán hàng online, nhận thêm job freelance.

- Cả hai cùng học đầu tư: chứng khoán, vàng, trái phiếu, hoặc kinh doanh nhỏ.

Quan trọng là cùng nhau nỗ lực, thay vì trách móc nhau vì "lương thấp, tiền thiếu".