Bức ảnh 'nụ cười chiến thắng' chụp người phụ nữ nào?

Một người phụ nữ Việt Nam khi bị địch bắt và bị tòa tuyên án 20 năm khổ sai nhưng vẫn mỉm cười rực rỡ, hiên ngang. Nụ cười của bà đã trở thành biểu tượng cho cả thế hệ anh hùng, là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều tác giả, vậy bà là ai?
1. Bức ảnh "nụ cười chiến thắng" chụp người phụ nữ nào?
Bức ảnh "nụ cười chiến thắng" chụp bà Võ Thị Thắng.
Bà Võ Thị Thắng (1945-2014). 16 tuổi bà là thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức; 17 tuổi được điều về Sài Gòn hoạt động bí mật trong phong trào Thanh niên - Sinh viên - Học sinh, phong trào công nhân và lực lượng vũ trang…
Trong chiến dịch Tổng công kích Mậu Thân 1968, bà được giao nhiệm vụ trừ gian ở Phú Lâm, quận 6. Chẳng may bà bị sa vào tay giặc và bị kẻ địch tra tấn và kết án 20 năm khổ sai.
Bà Thắng đã dõng dạc tuyên bố: Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không.
Bà nở nụ cười rực rỡ, hiên ngang, khoảnh khắc này đã được một phóng viên người Nhật kịp ghi lại. Bức ảnh "nụ cười chiến thắng" của bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác của văn nghệ sĩ trong nước và ngoài nước lúc bấy giờ và trở thành biểu tượng cho cả thế hệ anh hùng.
2. Đất nước nào sau đây có Trường tiểu học Võ Thị Thắng?
Ở quận Playa, thủ đô La Habana, Cuba hiện nay có Trường tiểu học Võ Thị Thắng.
Trường tiểu học Võ Thị Thắng được Tổng tư lệnh Fidel Castro và Hội đồng Nhà nước Cuba thành lập cuối năm 1968 sau khi bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” được báo chí quốc tế đăng tải, với mục đích bày tỏ tình đoàn kết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.
3. Bà Võ Thị Thắng được trao trả tự do năm nào?
Bà Võ Thị Thắng và các bạn tù chính trị nữ được tự do trong đợt trao trả tù binh tại Lộc Ninh (Bình Phước) tháng 4/1974.
4. "Chị là con người mang tên Chiến Thắng; Đã sinh ra và lớn lên từ mùa thu cách mạng; Hai ba năm rực rỡ chiến công; Đã nở nụ cười tươi như một đóa hồng” là những câu thơ của nhà thơ nào?
Đây là 4 câu thơ trích trong bài thơ “Nụ cười chiến thắng” dài 60 câu của tác giả Trần Quang Long.
Tác giả Trần Quang Long đã xúc động viết ngay sau khi xem phiên tòa xử chị Võ Thị Thắng, nữ sinh Trường Gia Long (Sài Gòn), tham gia tự vệ thành, bị bắt trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968, bị tòa án quân sự ngụy quyền xử 20 năm khổ sai.
5. Trường Gia Long bà Võ Thị Thắng từng học hiện là trường nào ở TPHCM?
Năm 13 tuổi bà Võ Thị Thắng vào học Trường công lập Gia Long Sài Gòn chính là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay.
Trường được khởi công xây dựng từ năm 1913, từ tâm huyết của những người trí thức yêu nước quan tâm đến vấn đề giáo dục nữ giới. Ban đầu trường chỉ có những lớp đồng ấu (Enfantin) và những lớp cao đẳng (Supérieur) của bậc sơ học.
Năm 1922 trường đã khánh thành Ban nữ trung học học đường với cái tên Collège de Jeunes Filles Indigènes (Trường con gái bản xứ). Màu tím được chọn là màu áo đồng phục cho nữ sinh thời bấy giờ, tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của thiếu nữ Việt Nam, vì thế trường còn được gọi là Trường Áo Tím.
Năm 1940, trường được đổi tên là Lycée Gia Long, màu áo tím của nữ sinh được chuyển sang màu áo trắng tinh khôi cùng với huy hiệu bông mai vàng rực rỡ lại càng tô điểm thêm những trang sử truyền thống hào hùng cho ngôi trường.
Sau 30/4/1975, Trường được chính quyền mới đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Thị Minh Khai.
Niên khóa 1978-1979, Trường giải thể cấp 2, thu nhận nữ sinh lẫn nam sinh, đổi tên thành Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nổi tiếng ở TPHCM hiện nay.