Bữa cù kì với người nuôi biển

TP - Có những bữa ăn không chỉ để no, mà để nhớ. Nhớ cái khoảnh khắc ngồi giữa mênh mông vịnh biển, gió mặn mòi phả vào mặt, mây thấp lững lờ trên đầu, và trước mặt là những món quà, những ngư dân mộc mạc của biển cả.
Trưa hôm ấy, trong chuyến ca nô ra vịnh, anh Hoà đưa chúng tôi ghé vào khu bè nuôi biển của nhà anh để chơi - và để ăn. Một bữa ăn không hẹn trước, nhưng ngon đến mức xa rồi vẫn nhớ.
Vị biển Vân Đồn
Người “quản gia” khu lồng bè là anh Phong - dáng người rám nắng, cười hiền như đá vịnh. Anh bảo: “Vừa bắt được mấy cân cù kỳ, làm tí nhé!”. Vậy là có món đầu tiên. Cù kỳ - loài cua biển chỉ có ở vùng này, thân chắc, càng to, thịt không nhiều như cua gạch, nhưng lại đậm, thơm, dai và đặc trưng như hương vị không thể lẫn của biển Vân Đồn. Đặc biệt là phần càng - chắc nịch, vỡ lớp vỏ là mùi thơm đã phả ra, ngọt như thịt rừng, mặn như câu chuyện đời ngư dân.
![]() |
Cù kỳ-đặc sản biển Vân Đồn |
Thêm món Hàu nữa, những con hàu còn tươi anh Hoà và chúng tôi vừa kéo từ dưới biển lên. Hàu ăn sống, chấm với mù tạt mang từ chợ Cái Rồng - tươi rói, mát lạnh như nước vịnh buổi sớm. Những con hàu vừa tách vỏ, vẫn còn vương nước biển, trơn mượt, tan trên đầu lưỡi. Không cần quá nhiều gia vị - chỉ cần một tí gừng, chút chanh, và cơn đói của những kẻ đã rong ruổi cả buổi sáng trên sóng, thế là đủ để món ăn thành một kỷ niệm.
Cù kỳ được hấp xong - mùi thơm lan khắp bè, quyện vào mùi gỗ ướt, mùi lưới cá, mùi gió biển. Chú cún con ở bè bên cạnh chắc cũng đã ngửi thấy đặc sản cứ chạy quanh, thi thoảng lại sủa lên như cũng đang đói!
![]() |
Hàu nuôi của nhà anh Hòa |
Trời hôm ấy mát, thỉnh thoảng có mưa lất phất, càng khiến món hải sản nóng hổi kia thêm thi vị. Chúng tôi mở vài lon bia lạnh, cầm từng chiếc càng cù kỳ to như ngón tay, cắn lớp thịt đậm, thơm, dai và ngọt. Ngồi giữa biển, không có khăn ăn, không cần dao nĩa, chỉ có tiếng cười, tiếng gió và tiếng “rắc” giòn tan của những chiếc càng vỡ ra - như một nghi lễ giản dị của tự do.
Và điều bất ngờ nhất lại đến từ nồi nước luộc cù kỳ. Anh Phong bảo: “Để em nấu canh rau muống”. Tưởng chỉ là món rau dân dã, ai ngờ nước luộc cù kỳ làm cho bát canh xanh biếc, ngọt thanh, không như khi nấu rau bằng nước máy. Mỗi thìa canh như hớp vào một phần linh hồn của biển - dịu, mát, và đầy dưỡng chất thầm lặng.
Chúng tôi ăn cơm trắng - đúng nghĩa “cơm trắng” - với canh rau muống cù kỳ. Không cao lương, không sơn hào, mà lại thấy như đang ngồi giữa bàn tiệc của thiên nhiên. Một bữa ăn mang cả hương vị đất trời Vân Đồn, ăn không để no, mà để nhớ, để thương.
![]() |
Lồng bè nhà anh Hòa |
Có thể sau này, du lịch cao cấp sẽ đem đến Vân Đồn những nhà hàng nổi sang trọng, những món fusion đủ loại. Nhưng với tôi, bữa ăn hôm ấy - trên một bè cá đơn sơ, giữa gió mưa và tiếng cười - mới là thứ đặc sản quý nhất. Không có trong menu nhà hàng nào, không ai “book trước” được. Chỉ có thể tìm thấy bằng sự tình cờ, và lòng mở cửa với biển khơi.
Khi trúng đậm, lúc trắng tay
Biển cho - rồi biển lấy lại. Nhắc đến cơn bão Yagi năm 2024, anh Hoà kể: “Bè bị đánh tan hoang, cá trôi hết, trắng tay. Sau bão, cá chết nổi đầy mặt vịnh, không vớt kịp”. Nhưng rồi, anh cười nhẹ: “Cá trôi ra biển nhiều lắm, hàng xóm của anh lâu lâu vẫn đi câu, bắt được những con cá song cả chục ký. Như kiểu lộc sót lại của biển cho người yêu biển!”
![]() |
Anh Phong (bìa trái) anh Hòa thứ hai (bìa phải) và tác giả. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Ít ai nghĩ anh Phong là người miền núi - quê tận Hòa Bình, nơi núi đá và ruộng bậc thang xếp tầng như thơ. Nhưng rồi biển gọi. Hơn chục năm trước, anh rời rừng về vùng sóng gió này, cùng người dân bản địa nuôi hàu, nuôi cá. Anh bảo: “Trên ấy ít việc, rừng không giữ nổi người. Về đây, sống với biển, còn có cái mà hy vọng.”
Một ước mơ nhỏ bé của anh Phong là hè này đưa vợ về biển chơi. Thế nhưng vợ anh quanh ở bản, ở rừng chả muốn đi đâu, lại bị say xe nên càng ngại mấy trăm cây số đường xa.
Anh Hoà nói, mấy năm nay anh chung vốn với bố vợ vài ô lồng cá. Nhưng vừa qua thiệt hại lớn quá. Giờ đang bắt đầu đóng lại bè, thả cá từ từ để gầy dựng lại xem sao. Đầu tư cá lồng, được thì lãi lớn nhưng cũng cần vốn lớn, đóng một ô lồng trăm mét vuông, mua lướt tốt của Nhật cũng mất hơn trăm triệu. Nhà anh vừa sửa xong gần chục ô - chưa biết thu được gì, chỉ biết không làm thì chẳng có gì để mưu sinh.
Hiện tại, gia đình Hòa và nhiều ngư dân đang trông vào hàu - loài thân mềm vỏ cứng mà ngư dân ví như “món nợ của đá”. Nhưng dạo gần đây hàu chậm lớn, ít thịt, thị trường thì trồi sụt. Người dân từng mất trắng cả vụ hàu, vụ ngao đúng vào thời điểm dịch COVID-19. Hàu đầy bè, ngao đầy biển mà chẳng ai mua. “Chết đứng. Vừa mất tiền giống, vừa mất luôn cả lãi”, anh Hoà nhớ lại.
Năm 2024, Vân Đồn đón trên 1,8 triệu lượt khách với doanh thu ước đạt 2.831 tỷ đồng. Năm 2025, Vân Đồn phấn đấu thu hút trên 2 triệu lượt du khách (hơn 200.000 khách quốc tế), tổng thu khoảng 3.500 tỷ đồng.
Anh Ngà, người bà con từ Tây Nguyên ra góp vốn mấy trăm triệu cũng rút lui sau vụ đó. Không phải vì tiếc của, mà vì mất tinh thần, sợ lại rơi vào cảnh “trắng tay” thêm lần nữa. Nhưng Hoà và gia đình thì vẫn bám biển. Gió quất mặt thì cúi đầu, sóng đập bè thì chằng thêm dây. Anh bảo: “Mình sống bằng biển, thì phải biết chịu lỗ lúc nó nổi giận. Nhưng biển cũng thương người biết nhẫn.”
Nhìn cách Hoà rửa hàu dưới ván bè, tay sần sùi, chân mặn muối, nhưng ánh mắt và nụ cười vẫn sáng - tôi hiểu rằng những con người như anh chính là hồn cốt của vùng vịnh này. Nếu một ngày nào đó Vân Đồn trở thành đặc khu hiện đại, thì phải có chỗ cho những người như anh - người giữ sóng, giữ mùi vị thật của biển khơi.
Ngư dân và Casino
Đặc khu Vân Đồn sẽ triển khai dự án khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp casino Vân Đồn, đầu tư hơn 2 tỷ USD, quy mô 244 ha tại xã Vạn Yên (cũ). Đặc khu có nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf, giải trí, nhà ở thương mại: Tổ hợp khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh - Vân Đồn, Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, Monbay Vân Đồn… Đây sẽ là những mảnh ghép bổ sung hoàn hảo cho kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, câu chuyện của Hoà không phải là cá biệt - mà là đại diện cho hàng trăm, hàng nghìn ngư dân đang ngày đêm mưu sinh trên sóng vịnh. Những con người âm thầm đó mới chính là rễ bám của kinh tế biển, là phần lặng mà vững chắc nhất của một Vân Đồn đang chuyển mình.
Phát triển đặc khu không thể chỉ là bài toán hạ tầng, sân bay, cầu cảng hay các dòng vốn đầu tư FDI. Không chỉ là resort, sòng bạc hay khách sạn 5 sao. Đó phải là câu chuyện của người thật, việc thật - của anh Hòa, anh Phong, của bè cá, của những con hàu chậm lớn, và của những lần mất trắng sau bão mà vẫn không buông xuôi.
Nếu không có cơ chế tín dụng mềm, không có chính sách bảo hiểm rủi ro trong nuôi biển, không có đào tạo bài bản về kỹ thuật, môi trường, thị trường… thì những người như các anh sẽ mãi chông chênh.
Một đặc khu kinh tế biển hiện đại phải biết kết nối chuỗi giá trị giữa du lịch - văn hoá - ẩm thực - nghề cá - nuôi trồng thủy sản. Du khách không chỉ đến nghỉ dưỡng mà còn muốn trải nghiệm câu cá, bắt hàu, ăn một bữa cơm trên bè giữa vịnh, nghe kể chuyện vượt bão hay cách gỡ lưới trong sương sớm. Những điều ấy không thể copy từ nơi khác - chỉ có ở đây, chỉ có những người đã sống với biển mới kể được.
Và chính vì thế, cần nhìn anh Hòa, người nuôi biển hay ngư dân - họ không chỉ là “người sống bằng biển”, mà là “người giữ hồn đặc khu”. Muốn đặc khu giàu đẹp - hãy làm cho ngư dân sống tốt. Muốn đặc khu mạnh - hãy để người dân cảm thấy được chia sẻ tương lai, chứ không bị đứng ngoài lề của giấc mơ phát triển.