Bữa cơm tri ân giữa rừng cao su Lộc Ninh

Giữa rừng cao su bạt ngàn của xã Lộc Tấn, tỉnh Đồng Nai (huyện Lộc Ninh, Bình Phước cũ), một bữa cơm đơn sơ nhưng thấm đẫm nghĩa tình đã được tổ chức dành cho công nhân.
Đó không chỉ là một bữa cơm công đoàn bình thường của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh mà còn là nơi gửi gắm sự sẻ chia, quan tâm chân thành đến những người lao động đang nỗ lực giữ rừng, giữ nghề.
Bữa cơm đậm nghĩa tình giữa rừng cao su
"Xin mời các anh chị em công nhân dùng bữa cơm công đoàn, chúc mọi người ăn ngon miệng để có sức khỏe làm việc thật tốt" - bà Vũ Thị Thùy Trang - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, phát biểu bắt đầu bữa cơm công đoàn.
Những món ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng, đủ đầy dinh dưỡng và phù hợp với khẩu vị của người S'tiêng gồm cơm trắng, bánh hỏi heo quay, thịt kho, lẩu hải sản, trái cây tráng miệng…
Chị Bà Thị Thùy Trang chia sẻ: "Đây là năm thứ hai công đoàn công ty tổ chức "Bữa cơm công đoàn". Hoạt động này không chỉ để công nhân có bữa ăn ngon mà còn để gửi gắm sự quan tâm của công đoàn tới anh chị em công nhân. Ở đây, phần lớn là người dân tộc S'tiêng, đời sống còn nhiều khó khăn. Một bữa ăn không thể giải quyết hết những trăn trở, nhưng là cách để chúng tôi tri ân người lao động, tạo sự gắn kết và lắng nghe họ nhiều hơn".
Trong ánh nắng dịu nhẹ xuyên qua tán lá cao su, từng tốp công nhân rôm rả trò chuyện, tiếng cười vang giữa rừng xua tan mệt nhọc. Có người lần đầu được ngồi ăn cùng cán bộ công ty, có người không giấu được xúc động khi thấy bữa cơm chu đáo đến từng chi tiết nhỏ.
"Cả năm đi làm, tụi em ít có dịp nào được ăn đông đủ như vầy. Em thấy vui lắm, thấy mình được công ty quan tâm", chị Thị Hương, 35 tuổi, cười tươi, vừa gắp miếng cá vừa nói. Đôi tay chị chai sần, quen với nhựa mủ và cán dao, hôm nay như được nghỉ ngơi và trò chuyện cùng đồng nghiệp.
Những công nhân cạo mủ cao su như chị Hương phải thức dậy từ sớm, lặng lẽ mò mẫm trong tiết trời mờ sáng, cạo từng vết dao thật đều tay để dòng nhựa trắng tuôn không gián đoạn. Mỗi bước chân đi giữa rừng cao su là một bước của sự kiên trì, cần mẫn và chịu khó.
Bữa ăn hôm nay - niềm tin cho ngày mai
Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh có gần 600 công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần là đồng bào S'tiêng. Ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc, cho biết công ty chủ trương tuyển dụng đồng bào dân tộc tại chỗ, đào tạo tay nghề để tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Sau vài năm làm việc, nhiều người không chỉ ổn định cuộc sống mà còn giới thiệu thêm người thân vào làm chung.
Không chỉ chăm lo về mặt đời sống vật chất, công đoàn công ty còn chú trọng xây dựng mối quan hệ gần gũi, gắn bó với người lao động. "Bữa cơm công đoàn" là một trong nhiều hoạt động thể hiện rõ tinh thần ấy, đặt người lao động vào vị trí trung tâm, lắng nghe để thấu hiểu, đồng hành để sẻ chia.
"Người lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp. Muốn giữ chân người lao động, không chỉ bằng thu nhập mà còn bằng sự quan tâm thực sự, dù là một bữa ăn hay một lời hỏi thăm kịp lúc", Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Lộc Ninh chia sẻ.
Hiện nay, mỗi công nhân của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh được trả mức lương từ 8 - 12 triệu đồng/tháng tùy vào năng suất lao động. Với mức thu nhập này, đời sống của nhiều gia đình công nhân tại đây được đáp ứng cơ bản, họ cho con tới trường đi học để nâng cao kiến thức. Cũng chính vì thế mà có những công nhân gắn bó với công ty hàng chục năm.
Ngoài ra, công ty còn phát động các phong trào thi đua trọng tâm như: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", "Luyện tay nghề, thi thợ giỏi", phong trào thi đua nước rút,… các phong trào được triển khai sâu rộng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất kinh doanh.
Đây là những phong trào thi đua trọng điểm mang tính lan tỏa sâu rộng, thúc đẩy các phong trào thi đua khác đạt hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của công ty, đây cũng là cơ sở để tăng tiền lương, thu nhập cho người lao động.
Các phong trào thi đua đã trở thành truyền thống công nhân ngành cao su, phong trào ngày càng được đổi mới về nội dung và hình thức, đã lan tỏa sâu rộng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, được đông đảo công nhân viên chức, người lao động hưởng ứng tích cực và đã đạt được hiệu quả cao.
Thành công của "Bữa cơm công đoàn" không nằm ở số lượng món ăn, mà ở cách mà công đoàn "chạm" đến trái tim người lao động. Trong xã hội hiện đại, nơi mà mối quan hệ lao động đôi khi chỉ còn là hợp đồng, bảng chấm công hay chỉ tiêu sản xuất, thì việc mời công nhân ngồi lại dùng cơm cùng nhau lại trở nên nhân văn và đáng trân trọng. Đó là sự kết nối bền chặt giữa công nhân và doanh nghiệp, để cùng nhau đi xa hơn, vững vàng hơn trong hành trình sống và làm việc giữa miền biên giới nắng gió.