Bỏng khắp miệng vì ăn nhầm bột thông cống

Ngày 8/5, BS.CK2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng để đánh giá tổn thương, ghi nhận bé bị bỏng thực quản độ 2. Bệnh nhi được dùng thuốc bảo vệ và làm lành niêm mạc, kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng.
Sau một tuần điều trị tích cực, bé mới có thể ăn uống trở lại qua đường miệng và vừa xuất viện. Khi phát hiện con ăn nhầm bột thông cống, người mẹ hoảng hốt lấy nước cho bé uống, khiến tổn thương càng lan rộng.
Theo bác sĩ Thủy, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng 250-300 trường hợp liên quan dị vật tiêu hóa và uống nhầm hóa chất. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ hè, nguy cơ tai nạn thường cao hơn do trẻ nghỉ học nhiều, ít được giám sát, hiếu động khám phá dễ dẫn đến uống nhầm hóa chất, hóc dị vật...
Khi trẻ uống nhầm hóa chất, phụ huynh nhanh chóng đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất. 5 điều tuyệt đối không làm khi xử trí ban đầu trẻ nuốt chất ăn mòn là không gây nôn, không dùng chất trung hòa, không dùng chất pha loãng, không dùng than hoạt, không tự ý đặt sonde dạ dày. Việc gây nôn có thể khiến hóa chất tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, bỏng thực quản, viêm phổi nặng nề...
Các hóa chất sử dụng trong gia đình cần được để tại những nơi kín đáo, tránh xa tầm với của trẻ. Những chất có độc tính cao cần để những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được. Không đựng các hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống. Giáo dục trẻ ý thức phòng tránh ngộ độc.
Lê Phương