Nhảy đến nội dung
 

Bộ Y tế khuyến cáo người dân mua thuốc ở các nhà thuốc hợp pháp, đủ đăng ký

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng kiểm soát tình trạng mua bán sản phẩm thuốc kê đơn trên mạng và trang thương mại điện tử, khuyến cáo người dân mua thuốc ở các nhà thuốc hợp pháp, đủ đăng ký.

Làm gì để tránh mua phải thuốc giả?

1. Mua thuốc tại nơi uy tín: Chỉ mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng. Không mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các trang mạng xã hội, livestream...

2. Kiểm tra bao bì và thông tin trên vỏ thuốc:

- Bao bì phải nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu bị chỉnh sửa.

- Kiểm tra các thông tin như: tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất. Các thông tin này phải rõ ràng, không tẩy xóa.

- So sánh với bao bì chính hãng (nếu có) để phát hiện sự khác biệt về màu sắc, chữ in, hoặc logo.

- Quan sát màu sắc, kích thước, ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước hoặc so với mô tả chính hãng, không nên sử dụng.

- Sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm (trường hợp có in mã vạch/mã QR trên vỏ hộp). Nếu mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy nghi ngờ.

3. Yêu cầu hóa đơn và chứng từ: Khi mua thuốc, yêu cầu hóa đơn mua hàng để đảm bảo nguồn gốc. Hóa đơn cũng là cơ sở để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.

4. Chú ý giá cả bất thường: Thuốc giả thường được bán với giá rẻ bất thường để thu hút người mua. Nếu giá quá thấp so với thị trường, cần cẩn trọng.

5. Tìm hiểu thông tin từ nguồn chính thức:

- Tra cứu thông tin thuốc trên website của Cục Quản lý dược (dav.gov.vn) hoặc các trang web uy tín của nhà sản xuất.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi mua. Đối với thuốc kê đơn, chỉ mua thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ.