Bộ tứ khởi động sáng kiến mới trong lĩnh vực Trung Quốc thống trị

TPO - Mỹ vừa công bố khởi động sáng kiến khoáng sản quan trọng với ba đối tác trong Bộ tứ, như một phần trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc, dù mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm đã trở nên căng thẳng vì vấn đề thương mại và những bất đồng khác.
![]() |
Các ngoại trưởng Bộ tứ họp tại Washington ngày 1/7. (Ảnh: Reuters) |
Bốn quốc gia Bộ tứ (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) chia sẻ mối quan ngại về sức mạnh ngày càng tăng và sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực khoáng sản thiết yếu, nhưng mối quan hệ của họ đang bị thử thách bởi chính sách thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp với hàng loạt quốc gia, kể cả các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm tại Washington ngày 1/7, các ngoại trưởng Bộ tứ cho biết đang khởi động Sáng kiến khoáng sản thiết yếu của Bộ tứ. Họ gọi đây là "sự mở rộng đầy tham vọng của quan hệ đối tác giữa chúng tôi nhằm tăng cường an ninh kinh tế và năng lực phục hồi tập thể, bằng cách hợp tác để bảo đảm và đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng".
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết trong bài đăng trên mạng xã hội X rằng cuộc họp đã "rất hiệu quả".
Chào đón ba người đồng cấp đến Washington, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gọi các quốc gia Bộ tứ là đối tác chiến lược quan trọng và cho rằng đã đến lúc "hành động" trong những vấn đề cụ thể.
Ông cho biết, 30 hoặc 40 công ty từ các nước Bộ tứ đã lên lịch họp với Bộ Ngoại giao trong ngày 2/7 để thảo luận về hợp tác, bao gồm đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng - lĩnh vực mà Trung Quốc đang thống trị.
Cuộc họp này là dịp để Mỹ tái tập trung vào khu vực mà họ coi là thách thức chính, sau khi bị phân tâm bởi những vấn đề khác như cuộc xung đột Israel – Iran và xung đột Nga - Ukraine. Trong cuộc họp vào tháng 1 năm nay, các ngoại trưởng Bộ tứ cho biết sẽ họp thường xuyên để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tại Ấn Độ vào cuối năm nay.
Nhân dịp này, ông Rubio cũng sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết trong bài đăng trên mạng xã hội X, rằng cuộc họp cấp bộ trưởng Bộ tứ lần thứ hai trong năm nay là "một tín hiệu về tầm quan trọng của quan hệ đối tác và tính cấp thiết của những thách thức mà chúng ta phải đối mặt".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump cho biết Washington có thể sắp đạt thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, để giúp các công ty Mỹ cạnh tranh ở đó và New Delhi chịu mức thuế thấp hơn. Tuy nhiên, ông bày tỏ hoài nghi về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại với Nhật Bản trước thời hạn 9/7.
Các vấn đề khác cũng gây áp lực lên quan hệ giữa Mỹ với ba đối tác.
Ấn Độ không đồng tình với tuyên bố của ông Trump, rằng sự can thiệp của ông đã giúp ngăn chặn một cuộc xung đột lớn giữa Ấn Độ và Pakistan.
Ngày 1/7, Ngoại trưởng Jaishankar tái khẳng định lập trường của Ấn Độ, rằng thương mại không phải là yếu tố dẫn đến lệnh ngừng bắn với Pakistan. Ông nói thêm rằng mối quan hệ với Mỹ "sẽ không bao giờ thoát khỏi các vấn đề" và "điều quan trọng là khả năng giải quyết vấn đề và duy trì xu hướng tích cực".
Quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản cũng đang gặp trở ngại. Tokyo gần đây hoãn cuộc họp thường niên của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng. Báo chí Nhật Bản cho biết nguyên nhân là do Mỹ gây áp lực buộc nước này phải tăng chi tiêu quốc phòng nhiều hơn mức yêu cầu trước đó.