Bỏ án tử hình với 4 tội danh: 'Nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào'

Đại biểu Quốc hội cho rằng không nên bỏ án tử hình với 4 tội danh: sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; vận chuyển trái phép chất ma tuý; tham ô tài sản; nhận hối lộ.
Quốc hội chiều nay thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự. Nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8/18 tội danh.
Cụ thể: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Có án tử mà còn không sợ, huống chi bỏ đi
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM) nhất trí với đề xuất này nhưng không đồng ý bỏ hết 8 tội danh.
Nhắc đến hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, ông Sang cho rằng dù thời gian qua duy trì án tử hình với tội danh này nhưng số lượng mua bán, vận chuyển ma túy ngày càng tăng, có khi lên tới hàng trăm bánh, hàng tạ, hàng tấn.
"Nếu bỏ tội này thì không khéo Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy đi nước ngoài. Bởi bây giờ có án tử mà tội phạm còn không sợ, mà chúng ta lại bỏ đi", ông Sang lưu ý.
Với tội danh tham ô, nhận hối lộ, đại biểu Sang đề nghị hết sức cân nhắc. "Đừng nghĩ đây là tội phạm ở lĩnh vực công mà cả lĩnh vực tư như vụ án Trương Mỹ Lan - ngân hàng SCB là điển hình. Trong vụ án này dù kết án tử hình nhưng vẫn khắc phục hậu quả. Người ta tiếp tục sợ nên nộp để khắc phục. Đặt trường hợp biết chắc không bị án tử hình thì hiệu quả thu hồi tài sản có như mong muốn không?", đại biểu TPHCM đặt vấn đề.
Với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, đại biểu cho biết trong lịch sử chưa từng tuyên phạt tội này nhưng gần đây đã bắt được đường dây với số lượng lớn, kinh doanh trên nỗi đau của người bệnh. Ông Sang nhận định tác hại, hệ quả của tội này không thể đánh giá được.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Sang, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM) cũng rất băn khoăn với đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh, đặc biệt là 4 tội (sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; vận chuyển trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; nhận hối lộ).
"Nếu thực tế những tội phạm này ít hẳn đi, tình hình khá hơn thì thường sẽ giảm án. Còn nếu tình hình tội phạm càng ngày càng căng thẳng mà luật xử tới mức tử hình rồi vẫn chưa sợ thì không thể giảm hình phạt được", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phân tích.
Đặt câu hỏi "liệu 4 tội danh này đang êm đềm không, an toàn và sắp tới không có chuyện gì không", đại biểu nêu tình hình vận chuyển ma túy càng ngày càng phức tạp; mới đây công an Thanh Hóa phát hiện 21 loại thuốc giả. "Đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng nhưng thực tế còn như thế nào nữa", bà Lan lưu ý.
Trong phòng ngừa tham ô và nhận hối lộ, đại biểu nhấn mạnh: Ông bà đã dạy "sát nhân giả tử" - lúc làm, vi phạm có nghĩ đến bị trừng phạt không?
Dẫn chứng vụ án Lê Văn Luyện khi phạm tội ở tuổi vị thành niên không thể tử hình được nhưng gia đình nạn nhân thì phải làm sao. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cung cấp số liệu trong những quốc gia vẫn còn án tử hình thì xử những tội này như thế nào, riêng về tội phạm ma túy thì có nước trong ASEAN xử nghiêm hơn Việt Nam.
"Chúng ta nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào mình, với những người sống tuân thủ pháp luật. Những thân nhân của nạn nhân, những người chết của những tội phạm này thì làm sao, họ có thể chấp nhận không?", bà Lan bày tỏ.
Trong lĩnh vực y tế, đại biểu nêu nếu bác sĩ mắc sai lầm làm người bệnh tử vong thì đã có hàng loạt biện pháp kỷ luật nhưng một người dược sĩ nếu táng tận lương tâm làm thuốc giả, ảnh hưởng sức khỏe của nhiều người thì có khác gì "giết người hàng loạt".
"Đừng có nói là tại em không biết nên em làm, họ đều biết rõ và khi nhận lợi nhuận thì ai cũng biết hậu quả nhưng vẫn cố tình làm. Những trường hợp này cần phải bị trừng trị thích đáng", đại biểu lưu ý. Bà cũng cho biết từ trước tới nay chưa từng xử tử hình ai về tội làm thuốc giả nhưng quy định này có tác dụng răn đe rất lớn.
Hành vi giết người gián tiếp
Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cũng kiến nghị không nên bỏ hình phạt tử hình với 4 tội danh. Theo đại biểu, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh là hành vi đặc biệt nguy hiểm, là hành vi giết người gián tiếp.
“Thuốc giả có thể gây chết người hàng loạt do điều trị không đúng thuốc, gây tốn kém tiền của của nhân dân, phá hoại sức khỏe cộng đồng đặc biệt là trong các bệnh viện và cơ sở y tế. Thuốc chữa bệnh là sản phẩm đặc biệt liên quan trực tiếp đến sự sống của con người, làm giả thuốc đồng nghĩa với đánh đổi mạng sống người khác để trục lợi”, đại biểu nói.
Đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho rằng, các hành vi này có tác động tiêu cực với xã hội, gây mất niềm tin vào hệ thống y tế, làm suy yếu năng lực điều trị.
Về án tử hình với tội vận chuyển ma túy, đại biểu nêu rõ ma túy là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, bạo lực gia đình… Việt Nam vẫn là quốc gia có tình hình ma túy phức tạp nguy cơ trở thành điểm trung chuyển lớn. Vì vậy việc giữ tử hình là biện pháp quyết liệt để thể hiện thái độ không khoan nhượng.
Tuy nhiên, đại biểu Bình đề xuất nên phân loại rõ ràng mức độ vi phạm và hậu quả thực tế để áp dụng hình phạt tương xứng, tránh lạm dụng án tử hình.
Trong khi đó, tội tham ô tài sản thường do người có chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản nhà nước tức là tài sản của nhân dân. Nhiều vụ tham ô lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách quốc gia, ảnh hưởng đến các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, an sinh xã hội…
Ông Bình khẳng định hình phạt tử hình là mức răn đe cần thiết để tạo hiệu ứng phòng ngừa chung; việc bỏ tử hình có thể gửi đi thông điệp sai lầm rằng cán bộ tham ô lớn vẫn có thể “chuộc lỗi bằng tiền”.
Việc bỏ án tử hình có thể làm giảm hiệu quả trong chống tham nhũng, tạo tâm lý “nhờn luật” và không đủ sức răn đe...