Bỏ tử hình thì có thu hồi được tiền tham ô, nhận hối lộ?

Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi nếu bỏ khung hình phạt tử hình với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ liệu có đảm bảo việc thu hồi các tài sản đã bị thiệt hại từ loại tội phạm này.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang đoàn TP.HCM. Ảnh: Việt Linh. |
Tại phiên họp tổ chiều 20/5 góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) cho biết cơ bản nhất trí với việc cơ quan soạn thảo đề xuất bỏ án tử hình với một số tội danh. Tuy nhiên, ông không đồng ý với việc bỏ án tử hình với một số tội danh.
Bỏ án tử thì thu hồi tài sản có hiệu quả?
Với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy, ông Sang cho rằng trong các vụ án ma túy, muốn thực hiện thành công thì tội phạm quan trọng nhất chính là tội vận chuyển.
Đồng thời, với tội phạm về ma túy, dù đã đấu tranh rất quyết liệt, tình hình không mấy cải thiện, chứng tỏ chế tài chưa đủ mạnh. Thời gian qua, dù duy trì án tử hình, số lượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn diễn biến phức tạp, có vụ lên tới hàng tạ, hàng tấn.
“Nếu bỏ khung hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy không khéo Việt Nam sẽ thành điểm trung chuyển ma túy”, đại biểu Sang lo ngại.
Tương tự, với đề xuất bỏ khung hình phạt tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ, ông Sang cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không bỏ. Nguyên nhân là chúng ta đang đấu tranh rất quyết liệt với loại tội phạm này.
Đại biểu cho biết riêng với tội tham ô tài sản, hiện chúng ta không chỉ đấu tranh trong khu vực công mà còn đấu tranh trong cả khu vực tư. Trong đó, vụ án Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB là một ví dụ. Việc chi phối, lũng đoạn đã xảy ra ở một số công ty, tập đoàn, gây hậu quả rất lớn.
“Trong vụ án Trương Mỹ Lan, dù đã tuyên án tử hình nhưng vẫn khắc phục hậu quả, đó là vì người ta biết sợ, nên phải nộp thêm tài sản để mong giảm án. Giờ nếu người ta biết chắc chắn là không chết thì hiệu quả thu hồi tài sản thiệt hại có đạt mong muốn hay không?”, đại biểu Nguyễn Thanh Sang đặt câu hỏi.
Một tội danh khác đại biểu Sang không tán hành bỏ khung hình phạt tử hình là tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, dù từ trước đến nay chưa có đối tượng nào bị tuyên khung hình phạt này.
Tuy vậy, đại biểu cho rằng những diễn biến gần đây cho thấy đã có những đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả với số lượng cực kỳ lớn, kinh doanh trên nỗi đau của người bệnh.
Theo ông, tác hại của hành vi này là không thể đánh giá được, nên cần đánh giá kỹ trong việc bỏ khung hình phạt tử hình với tội danh này.
Xem xét tăng nặng tội sản xuất thực phẩm giả
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, cũng cho rằng cơ quan soạn thảo cần xem xét lại đề xuất bỏ khung hình phạt tử hình với một số tội danh như vận chuyển trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; nhận hối lộ; đặc biệt là tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Cụ thể, bà Lan cho biết theo logic thông thường, khi quá trình quản lý, thực thi pháp luật, tình hình tội phạm ít đi thì sẽ giảm án và ngược lại, loại hình nào có nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp thì cần tăng nặng mức xử phạt.
“Không phải cứ tăng mức phạt là kiểm soát được, nhưng đó là logic thông thường khi thi hành pháp luật”, bà Lan nói và cho biết hiện tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm sản xuất thuốc giả ngày càng nhiều, hay tình hình tham ô, nhận hối lộ đang được đấu tranh quyết liệt nhưng chưa giải quyết được tận gốc.
Vị đại biểu cho rằng nếu muốn xem xét bỏ khung hình phạt tử hình với các tội danh này, cần có báo cáo đánh giá đầy đủ xem hiện nay các quốc gia còn duy trì mức án tử hình thì họ xử phạt ra sao với các tội danh này.
![]() |
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM. Ảnh: Việt Linh. |
“Riêng về tội phạm ma túy, các nước ASEAN hiện còn xử lý nghiêm hơn so với quy định của Việt Nam”, bà Phong Lan nhấn mạnh.
Đặc biệt, đại biểu cho rằng không nên bỏ khung hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, bởi sản xuất thuốc giả không khác hành vi “giết người hàng loạt”.
Dù từ trước đến nay chưa có đối tượng phạm tội nào bị xử phạt tử hình về tội này, bà Lan cho rằng vẫn cần giữ khung hình phạt cao nhất để đảm bảo tính răn đe đủ mạnh.
Ngoài ra, bà Phạm Khánh Phong Lan cũng đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung khung hình phạt tử hình với tội sản xuất hàng giả là thực phẩm. Hiện khung hình phạt cao nhất với tội danh này là chung thân, nhưng yêu cầu phải chứng minh thiệt hại. Trong khi sản xuất thực phẩm giả nếu làm hàng loạt sẽ gây hại cho rất nhiều người. Đặc biệt vừa qua có các vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả, sữa giả ảnh hưởng đến hàng loạt người già, trẻ nhỏ, người bệnh… đều là những người yếu thế trong xã hội.
“Trong chừng mực nào đó cần xem lại các khung hình phạt của tội danh này, thậm chí cần bổ sung án tử hình để tăng tính răn đe”, bà đề xuất.
Vị đại biểu cho rằng đưa ra khung xử phạt cao có thể không phải giải pháp hoàn hảo nhưng đó là câu trả lời cho người dân thấy rằng Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc ngăn chặn loại hình tội phạm nguy hiểm này.
Quá tải phạm nhân chờ thi hành án tử
Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết thực tế hiện nay số lượng phạm nhân chờ quyết định thi hành án tử hình rất lớn, có những phạm nhân chờ 14-15 năm. “Nhiều đối tượng muốn thi hành án sớm nhưng chưa đến lượt. Họ liên tục chống đối, phá phách”.
Do đó, quan điểm của đại biểu Trung là thống nhất bỏ một số loại tội phạm có án tử. Tuy nhiên, đi vào cụ thể các loại tội thì đại biểu đề xuất làm rõ, ở nhóm tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nếu khối lượng vận chuyển lên tới hàng tấn ma túy thì xử lý ra sao, tác hại rất lớn.
“Theo tôi vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn nên để án tử, tất nhiên có phân loại rõ ràng. Còn về nhóm tội sản xuất hàng giả, nếu sản phẩm là thuốc giả thì phải xử nặng hơn”, đại biểu Trung nhấn mạnh.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội) cũng đồng tình việc giảm án tử hình ở một số tội danh.
Từ thực tiễn công tác, ông Chính cho biết án tử hình không phải là hình phạt hữu hiệu có tác dụng giáo dục, răn đe phòng ngừa chung, án tử chỉ là biện pháp áp dụng nghiêm khắc đối với phạm nhân. Việc giảm mức án này vừa thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước, phù hợp xu thế chung, cũng như tình hình thực tế.
Thậm chí, đại biểu Chính còn đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét tăng thêm nhóm tội danh được loại bỏ khung hình phạt tử hình để giảm án tử hình xuống.
Đánh giá về tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, đại biểu Chính đánh giá áp dụng hình phạt tử hình với tội danh này là quá nghiêm khắc bởi lẽ người sản xuất thực tế không lường được hậu quả có thể gây tác hại chết nhiều người. Mục đích chính vẫn là vì lợi nhuận.
Tương tự, tội vận chuyển ma túy thì người vận chuyển bản chất chỉ là người làm thuê. “Qua thực tế xét xử, tôi thấy chỉ khi vận chuyển với số lượng lớn quá thì mới áp dụng án tử”, ông nói.
Đối với tội nhận hối lộ, tội tham ô, do là tội phạm kinh tế, nên việc không áp dụng án tử hình là có căn cứ và đảm bảo tính nhân đạo của Nhà nước, đặc biệt khi người tham ô, người nhận hối lộ bồi thường tài sản.
Cuốn sách "Cuộc chiến cam go" ghi nhận những câu chuyện khi Trung tá Phạm Cánh Quân chuyển công tác sang Công an quận Hoàn Kiếm để điều tra các vụ án về ma túy. Trong cuốn sách hơn 300 trang, tác giả khái quát các chất gây nghiện lâu đời cho đến những loại ma túy tổng hợp thế hệ mới và phần sau là chi tiết các vụ án ma túy.