Bộ trưởng Tài chính: 'Vướng thì sửa chứ không thể bỏ luật Đấu thầu'

Đại biểu Quốc hội đề nghị dừng luật Đấu thầu, luật Quy hoạch vì vướng mắc. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói không thể bỏ hay dừng vì nếu không kiểm soát được lại bỏ sẽ hỗn loạn ngay.
Đề nghị dừng luật Đấu thầu, luật Quy hoạch vì quá nhiều vướng mắc
Nêu ý kiến thảo luận luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Quy hoạch sáng 28.5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nói, luật Quy hoạch ban hành từ năm 2017 nhưng đến năm 2020 mới bắt đầu thực hiện. Tức là ngay từ khi thực hiện đã thấy có nhiều vấn đề vướng mắc.
Sau đó, năm 2022, khi Quốc hội giám sát về vấn đề quy hoạch, đã ban hành Nghị quyết 61, yêu cầu đánh giá, rà soát để sửa toàn diện luật này. Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ vẫn đề xuất sửa luật nhiều lần, chủ yếu sửa một số chương, điều.
Đồng tình với nhiều đại biểu chỉ ra rất nhiều khúc mắc trong luật Quy hoạch, ông Huân cho rằng, nếu lần này tiếp tục sửa một vài điều thì không thể tháo gỡ một cách căn cơ các điểm nghẽn cho phát triển như Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần chỉ đạo, phải từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, từ quản lý sang kiến tạo.
"Thể chế phải kiến tạo. Thế mà kiến tạo làm sao được nếu luật Đấu thầu, Quy hoạch vẫn tiếp tục thực hiện", ông Huân nêu, và cho biết, tại phiên thảo luận về sửa đổi luật Đấu thầu, ông cũng đã có ý kiến. "Nghĩa là luật quy định quá chi tiết các việc địa phương phải làm. Làm trái luật thì không được mà làm theo luật thì không còn không gian để phát triển, sáng tạo", ông Huân nói thêm.
Ông Huân dẫn chứng, sắp tới TP.HCM sẽ sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Về quy hoạch, không thể tiếp tục thực hiện song song 3 quy hoạch của 3 tỉnh, thành trước đây. Tuy nhiên, cũng không thể gộp một cách cơ học quy hoạch của 3 tỉnh, thành với nhau.
Từ đó, ông Huân cho rằng, nếu cứ cố gắng duy trì thực hiện luật Quy hoạch thì sẽ "rất kìm hãm" sự phát triển.
"Có địa phương có quỹ đất rất lớn, Thủ tướng phê duyệt nhưng 10 năm nay không làm được vì vẫn chờ hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch của bộ, gây lãng phí nguồn lực", ông Huân nói, và cho rằng, cần phải quản trị nguồn lực chứ không phải quản lý nguồn lực như hiện nay.
Cùng luật Đấu thầu, ông Huân đề nghị "tạm dừng luật Quy hoạch", hoặc chí ít dừng một số điều đang vướng mắc trong triển khai thực hiện mà nhiều đại biểu đã nêu. "Dục tốc bất đạt, trong một thời gian ngắn mà chúng ta cố gắng sửa có thể dẫn tới vướng mắc khác. Chúng ta có thể tạm dừng một thời gian xem cái gì thực sự vướng thì sửa một cách căn cơ, toàn diện", ông Huân kiến nghị.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị cần "bình tĩnh" khi sửa luật Quy hoạch. "Tôi cũng như nhiều đại biểu băn khoăn tại sao luật này sửa rất nhiều rồi mà tới nay vẫn rối", ông Hạ nói, và cho rằng, cần phải có thời gian để rà soát, tìm nguyên nhân của các vướng mắc. Từ đó mới xem xét chỉnh sửa luật cho thật sự căn bản thì mới giải quyết được bài toán quy hoạch.
Các quốc gia đều có luật đấu thầu
Giải trình đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc Chính phủ gấp rút trình Quốc hội sửa luật Quy hoạch là để điều chỉnh được ngay các quy hoạch ở tất cả các cấp khi thực hiện sáp nhập.
"Khi việc sáp nhập tỉnh, thành có hiệu lực từ 1.7 thì tất cả các quy hoạch tắc hết", ông Thắng nói, và cho biết, việc sửa luật Quy hoạch lần này giúp các quy hoạch đang được triển khai tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh của các địa phương sau sáp nhập có hiệu lực.
Thứ nữa, theo Bộ trưởng Tài chính, luật dự kiến sửa đổi để phân cấp, phân quyền tối đa, nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. "Theo quy định hiện hành, cái gì ở dưới địa phương thay đổi cũng phải trình lên Chính phủ và trình Quốc hội", ông Thắng cho hay.
Cùng đó, ông Thắng cho biết, việc sửa luật còn nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để triển khai các dự án trọng điểm, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo.
Với đề xuất tạm dừng luật Quy hoạch và luật Đấu thầu, ông Thắng nói "như vậy thì không được".
"Vì sao? Vì mình không kiểm soát được mình lại dừng thì không ổn, nó sẽ hỗn loạn ngay. Báo cáo đại biểu là 100% các quốc gia trên thế giới đều có luật đấu thầu. Khi chúng ta đã sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách là phải đấu thầu. Không thể nói bây giờ mình bỏ luật Đấu thầu hay dừng luật Đấu thầu được", ông Thắng nhấn mạnh.
Tương tự với luật Quy hoạch, Bộ trưởng Tài chính nói, một đất nước phải có luật, phải có quy hoạch. Còn cái gì chưa phù hợp, vướng mắc thì phải điều chỉnh để có thể thực hiện được.
"Bây giờ bảo dừng luật Quy hoạch thì Chính phủ có điều hành được không, các địa phương có triển khai được không?", ông Thắng nhấn mạnh.
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, luật Quy hoạch từ khi ban hành "đã rất vướng mắc rồi chứ không phải không". Do đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội để sửa tổng thể luật này trong thời gian tới.