Bộ trưởng Nội vụ: Thiết kế quy định đánh giá cán bộ, xóa bỏ tư duy 'biên chế suốt đời'

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, dự Luật Cán bộ công chức sửa đổi sẽ thiết kế các quy định để đánh giá cán bộ, công chức 'có vào có ra' và xóa bỏ dứt điểm tư duy 'biên chế suốt đời'.
Chiều 7/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là các quy định về đánh giá cán bộ, công chức.
Đánh giá cán bộ bằng AI để tránh so bì, bè phái
Đại biểu Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) cho rằng, cần bổ sung tiêu chí đánh giá từ phản hồi của người dân, doanh nghiệp với trọng số rõ ràng, ví dụ chiếm 20% tổng điểm. Đề xuất này học tập kinh nghiệm từ Nhật Bản.
Để đảm bảo quyền lợi, danh tính cho cán bộ, công chức báo cáo hành vi tham nhũng, đại biểu tỉnh Gia Lai đề xuất xây dựng thêm một chương mới Bảo vệ người tố giác, trong đó có những hình phạt nghiêm khắc với hành vi đe dọa, trù dập.
Nhắc đến Điều 15 và 16 (những việc công chức không được làm), ông cũng đề nghị cần bổ sung nội dung: "Không được lợi dụng chức vụ để can thiệp vào hoạt động kinh tế tư nhân hoặc gây ảnh hưởng trái quy định của pháp luật".
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu bày tỏ đồng tình cao với quy định đánh giá công chức căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao của tháng, quý, 6 tháng thể hiện bằng số lượng, chất lượng và tiến độ.
"Đây là cách tiếp cận hiện đại, chuyển từ các tiêu chí định tính sang tiêu chí định lượng như kiểu KPI của khu vực doanh nghiệp. Khi hoạt động công vụ, thực hiện dịch vụ công được số hóa, cán bộ công chức chủ yếu làm việc trên máy tính, họp online, xử lý văn bản, thông tin… nên việc xác định thời gian làm việc thực tế, hiệu quả công việc bằng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo hay phân tích dữ liệu là không quá khó, ở các nước tiên tiến cũng đang làm như vậy", bà Yên nói.
Nữ đại biểu nhấn mạnh, việc quy định có các tiêu chuẩn định lượng sẽ tránh được đánh giá “thiếu công bằng” so bì, ganh tỵ, “bè phái”, “dĩ hòa vi quý” ngại va chạm, nhụt ý chí đấu tranh, dễ dẫn đến tình trạng một bộ phận công chức thực sự có năng lực, tận tụy với công việc… sẽ cảm thấy bất công khi không được đánh giá đúng mực, làm mất đi động lực phấn đấu, vươn lên.
Đại biểu cũng tán thành với ý kiến của cơ quan thẩm tra là dự luật cần “đưa việc kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập vào tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu” như Kết luận số 105 năm 2024 của Bộ Chính trị.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cũng đề nghị tiếp tục rà soát và bổ sung tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức rõ ràng, minh bạch, bảo đảm gắn kết với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đạo đức, công cụ và tinh thần trách nhiệm cũng như là mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, bà Mai cũng đề xuất ứng dụng công nghệ công nghệ thông tin để có những tiêu chí đánh giá tự động nhằm giúp lưu trữ, theo dõi, phân tích kết quả công tác của công chức một cách khách quan, tránh việc đánh giá cảm tính.
2 công cụ để đánh giá cán bộ, công chức 'có vào có ra'
Làm rõ các vấn đề liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tư tưởng của dự luật lần này là làm sao để việc đánh giá cán bộ, công chức khắc phục tư duy "biên chế suốt đời", tránh tư tưởng "vào được biên chế là ngồi chắc chắn không có chuyện ra".
"Bây giờ dự luật phải làm sao để thiết kế được quy định 'có vào có ra' và xóa bỏ dứt điểm tư duy 'biên chế suốt đời'. Muốn như thế thì phải thực hiện hai công cụ là dựa trên cơ sở vị trí việc làm và sử dụng tối đa công nghệ thông tin", Bộ trưởng Nội vụ phân tích.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập đến việc sử dụng cơ chế hợp đồng như hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học trong một số vị trí việc làm. Cơ chế này là xu thế của nhiều nền công vụ tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.
"Khi báo cáo với Chính phủ về nội dung này cũng có một số ý kiến băn khoăn nhưng khi chúng tôi giải trình thì thấy rất thỏa đáng", bà Trà cho hay.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, đây gần như là một xu thế chung các nước đang thực hiện và họ ít khi bố trí cán bộ theo biên chế cứng như Việt Nam. Vì vậy bây giờ chúng ta mở ra thành một cơ chế "rất động, rất mở và rất linh hoạt" trong tuyển dụng và đồng thời quản lý để không có tình trạng "biên chế suốt đời".
Bộ trưởng Nội vụ thông tin thêm, tới đây khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị định dành riêng về đánh giá cán bộ, công chức và trong đó có quy định về việc sử dụng tối đa công nghệ số để đánh giá.
"Bây giờ bắt buộc phải dùng dữ liệu để đánh giá. Căn cứ vào dữ liệu đầu vào, đầu ra trên cơ sở vị trí việc làm để đánh giá cuối năm ai làm được việc gì, bao nhiêu sản phẩm để làm thước đo. Như vậy sẽ không còn định tính, chung chung", Bộ trưởng Nội vụ nói.