Bộ trưởng Nội vụ: Địa phương không thể cùng chung 'chiếc áo'

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm sáng 25/7, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu đẩy mạnh phân cấp cho địa phương theo hướng linh hoạt. Đơn cử như việc trung ương xác định tổng biên chế và phân bổ về địa phương, các tỉnh thành sẽ căn cứ vào đó để quyết định giao biên chế cho cấp xã trực thuộc.
Bộ cũng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cho phép địa phương linh hoạt tổ chức bộ máy, tùy theo quy mô dân số, diện tích, yêu cầu nhiệm vụ. "Có thể nơi này cần đủ số đơn vị cấp phòng, nhưng nơi khác chưa chắc cần thiết. Nếu không linh hoạt, các địa phương sẽ cùng mặc chung một chiếc áo, không thể phù hợp", bà Trà nói, dẫn chứng "chiếc áo của Hà Nội phải khác vùng sâu".
Bà cho biết thực tiễn thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy thời gian qua còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là mô hình chính quyền hai cấp chưa có tiền lệ về tổ chức bộ máy, chức năng, thẩm quyền, nhất là cấp xã. Đội ngũ cán bộ cấp xã cũng phải đảm nhiệm nhiều trọng trách mới.
"Khi vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp mới không thể cầu toàn, quan trọng là nhận diện vướng mắc để tháo gỡ, nhằm xây dựng chính quyền gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn", bà nói, cho biết tinh thần là vừa làm vừa điều chỉnh, gắn với đổi mới quản trị địa phương và quốc gia, không tách rời quản trị quốc gia và quản trị địa phương.
Bộ Nội vụ sẽ xây dựng, tham mưu Chính phủ 16 nghị định liên quan đến chính quyền địa phương, tổ chức bộ máy, công chức, viên chức, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Bộ cũng sẽ tham mưu xác định vị trí việc làm theo mô hình mới, đặc biệt ở cấp xã, làm cơ sở tính toán biên chế giai đoạn 2026-2030.
Việc đánh giá công chức theo KPI sẽ được triển khai khi có nghị định mới, bảo đảm công khai, dân chủ, chính xác, giữ chân người có năng lực. Ngoài ra, các địa phương bảo đảm nơi ở cho cán bộ, công chức, nhất là ở nơi mới sáp nhập, phải chuyển đến trung tâm hành chính mới. "Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng nhà công vụ, trụ sở cấp xã đến năm 2030", bà nói.
Đề xuất tuyển cán bộ bán chuyên trách cấp xã làm công chức
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên Nguyễn Quốc Hữu nêu vướng mắc trong triển khai mô hình mới, nhất là công tác văn thư, lưu trữ do tài liệu nhiều, trình độ cán bộ không đồng đều. Ông đề xuất Bộ Nội vụ sớm ban hành hướng dẫn xét tuyển, sát hạch để bổ sung công chức từ nguồn cán bộ bán chuyên trách cấp xã.
"Lực lượng này chủ yếu trẻ, có kỹ năng công nghệ thông tin, am hiểu địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công việc", ông nói và cho rằng nếu được xét tuyển sẽ góp phần nâng cao chất lượng bộ máy.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Phan Văn Bình cho biết nhiều xã đang thiếu cán bộ tài chính, công nghệ thông tin, địa chính - xây dựng. Một số cán bộ từ huyện điều động về xã chưa được đào tạo chuyên môn phù hợp. Ông đề nghị Bộ Nội vụ có chương trình đào tạo sát thực tế, theo hướng "cầm tay chỉ việc", thay vì học lý luận chung chung.
Giải đáp các đề xuất, Vụ trưởng Công chức - Viên chức Nguyễn Quang Dũng cho biết Bộ đã trình Chính phủ quy định tiếp nhận người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đội viên trí thức trẻ có hợp đồng phù hợp vào công chức cấp xã, cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc tiếp nhận phải căn cứ vào vị trí việc làm và chỉ thực hiện khi có biên chế, "không phải ai cũng được chuyển thành công chức".
Theo ông Dũng, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng đang thiếu cán bộ chuyên môn lĩnh vực kế toán, công nghệ thông tin, địa chính - xây dựng do trước đây cán bộ xã chủ yếu làm công việc hành chính, ít được đào tạo bài bản.
Bộ Nội vụ đề nghị địa phương áp dụng một số giải pháp như luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tỉnh, huyện về xã để hỗ trợ trực tiếp; xây dựng kế hoạch tập huấn theo thực tiễn. Với lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ thông tin, địa phương có thể ký hợp đồng để đáp ứng yêu cầu công việc.
Vũ Tuân