Bỏ thanh tra thuế, tăng kiểm tra hóa đơn điện tử

Bộ Tài chính đề xuất bỏ thanh tra thuế, bổ sung quy định về kiểm tra lại trong hoạt động kiểm tra thuế; tăng cường kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế với hóa đơn điện tử.
Hồ sơ thẩm định dự án luật Quản lý thuế (thay thế) vừa được công bố. Tại dự luật, Bộ Tài chính đề xuất bỏ nội dung về thanh tra thuế, đồng thời bổ sung nhiều quy định mới.
Cụ thể, kiểm tra lại trong hoạt động kiểm tra thuế nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện và tăng cường tính kỷ luật trong công tác quản lý thuế.
"Thực tế phát sinh các trường hợp đã được kiểm tra nhưng có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành kiểm tra, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận và xử lý vi phạm hành chính về thuế.
Nội dung kết luận, xử lý vi phạm về thuế không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình kiểm tra hoặc có dấu hiệu rủi ro cao theo tiêu chí đánh giá rủi ro qua phân tích đánh giá rủi ro.
Cạnh đó, người ra quyết định kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận, xử lý vi phạm về thuế trái pháp luật. Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng kiểm tra chưa được phát hiện đầy đủ qua kiểm tra", Bộ Tài chính nêu lý do bổ sung quy định nêu trên.
Bộ này cũng đề cập khía cạnh rà soát, sửa đổi luật Quản lý thuế, theo đó tăng cường kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan thuế với hóa đơn điện tử, tăng thời hạn kiểm tra thuế để giải quyết các nội dung phức tạp thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan thuế khi không còn chức năng thanh tra thuế.
Bổ sung quyền hạn, biện pháp nghiệp vụ để xử lý hành vi trốn thuế cho hoạt động kiểm tra thuế nhằm tăng cường hiệu lực công tác kiểm tra thuế.
Bộ Tài chính đánh giá, các sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ giúp giảm đáng kể chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp khi chỉ phải chuẩn bị cho một loại hình kiểm tra thay vì hai. Dự kiến sẽ tiết kiệm được chi phí quản lý thuế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dù vậy, việc chuyển từ thanh tra sang kiểm tra thuế có thể làm giảm tính răn đe đối với các đối tượng cố tình vi phạm nghiêm trọng. Khi cơ quan thuế chỉ còn chức năng kiểm tra với tính chất "nhẹ nhàng" hơn, một số doanh nghiệp có thể lợi dụng "khoảng trống răn đe" này để gia tăng hành vi trốn thuế, gian lận.
Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển đổi 2025 - 2027, khi Thanh tra Chính phủ chưa xây dựng đầy đủ đội ngũ chuyên gia thuế và quy trình thanh tra chuyên sâu, có thể xuất hiện "vùng xám" trong xử lý các vi phạm phức tạp.
Kiểm tra doanh nghiệp có giao dịch liên kết không quá 40 ngày
Ngoài các nội dung trên, Bộ Tài chính còn đề xuất bổ sung nhiều quy định liên quan giao dịch liên kết.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về tham vấn, khảo sát, trao đổi thông tin trước khi thực hiện kiểm tra để thu thập, nắm bắt thông tin kê khai xác định giá giao dịch liên kết, phân tích rủi ro chuyên sâu làm căn cứ xem xét việc xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế.
Bổ sung quy định về thời hạn cung cấp thông tin, khảo sát tại trụ sở người nộp thuế trước khi thực hiện kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Thời hạn kiểm tra thuế hiện nay còn ngắn, chưa phù hợp với việc phải kiểm tra các nội dung phức tạp và cần thời gian như kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo quy định tại luật Thanh tra năm 2022: cuộc thanh tra do thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục, thanh tra tỉnh tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày.
Để không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, thời gian thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế nên tương đồng với thời gian thanh tra theo quy định của luật Thanh tra.
Từ phân tích trên, Bộ Tài chính đề xuất thời gian kiểm tra đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết không quá 40 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế và gia hạn một lần không quá 30 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế.