Bộ Tài chính tiếp tục hướng dẫn xử lý trụ sở, tài sản dôi dư sau sáp nhập

Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn bổ sung về việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công sau sáp nhập tỉnh thành. Trong đó đã có quy định cụ thể đối với tài sản kết cấu hạ tầng do cấp xã, huyện quản lý, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, và các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ ngành, địa phương hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.
Nguyên tắc chung được Bộ Tài chính nhấn mạnh, là việc bàn giao , tiếp nhận các tài sản công phải được lập biên bản rõ ràng, có đầy đủ danh mục tài sản và trách nhiệm của các bên liên quan, đảm bảo không thất thoát, lãng phí hay gián đoạn dịch vụ công.
Đối với trụ sở, tài sản kết cấu hạ tầng dôi dư, tùy theo cấp quản lý (xã, huyện, tỉnh), các tài sản sẽ được đơn vị hành chính mới tiếp nhận và kế thừa. Trường hợp tài sản nằm trên nhiều địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý.
Về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, nếu chưa hoàn tất xử lý trước thời điểm sáp nhập, các đơn vị hành chính mới (ở các cấp xã, huyện, tỉnh) sẽ tiếp nhận và tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật. Trường hợp các tài sản do cơ quan trung ương đang quản lý , mà cơ quan đó không còn do thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, Bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan đó sẽ quyết định giao lại tài sản cho đơn vị trực thuộc.
Tài sản thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước cũng được hướng dẫn cụ thể. Các dự án đã hoàn thành bàn giao cho đối tượng thụ hưởng. Trường hợp chưa xác định được đơn vị tiếp nhận hoặc đang dở dang, việc xử lý sẽ theo nguyên tắc và văn bản hướng dẫn hiện hành.
Về tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước, phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện phải chuyển tài khoản về Sở Tài chính quản lý, đảm bảo quá trình xử lý các khoản thu, chi tài sản công minh bạch, hiệu quả.
Theo hướng dẫn trước đây của Bộ Tài chính, trụ sở làm việc , cơ sở sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi được sáp nhập, giải thể) sẽ được ưu tiên bố trí lại cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đặt trụ sở; hoặc cho các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước (kể cả cơ quan trung ương trên địa bàn) có nhu cầu. Trong một số trường hợp, có thể thực hiện bố trí sử dụng chung một trụ sở cho nhiều cơ quan, đơn vị; có thể hoán đổi trên địa bàn nếu trụ sở dôi dư , thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức…
Liên quan đến việc xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư, Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, theo thống kê đến cuối năm 2024, cả nước có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Các cơ sở dôi dư chủ yếu tập trung ở các điểm trường, trạm y tế ở miền núi, vùng sâu xa, khó khăn.
Tuy nhiên, việc xử lý không thể diễn ra một sớm một chiều, do liên quan đến nhiều yếu tố như quy hoạch , đầu tư công, chức năng nhiệm vụ thay đổi sau khi sáp nhập địa bàn hành chính.