Nhảy đến nội dung

Bố qua đời để lại 17 tỷ đồng, con trai khởi kiện đòi chia đôi tài sản, tòa tuyên bố: “Không có di chúc nhưng con gái sẽ được phần hơn”

Vì khối tài sản của cha mẹ để lại không có di chúc, gia đình ở Trung Quốc đã rạn vỡ tình cảm sau cuộc tranh chấp tài sản.

Vợ chồng ông Lương và bà Dương ở Thiên Tân, Trung Quốc có hai người con, một trai một gái. Người con trai (ông A) sinh năm 1969, người con gái (bà B) sinh năm 1971. Năm 2005, ông A cùng vợ con di cư ra nước ngoài. Một năm sau, người cha qua đời nhưng ông không về nước. Trong khi đó, người con gái là bà B mặc dù đã có gia đình riêng nhưng quay lại sống cùng cha mẹ để chăm sóc. Sau khi cha mất, bà tiếp tục ở với mẹ và là người đứng ra tổ chức tang lễ. Cũng từ đó, bà gắn bó với ngôi nhà do cha đứng tên cho đến khi mẹ qua đời.

Trong thời gian sống cùng con gái, cụ bà Dương đã giao cho bà B sổ tiết kiệm có số dư 4,7 triệu NDT (khoảng 17 tỷ đồng) cùng mật khẩu, để bà quản lý và sử dụng. Sau đó, bà B cho cả con gái mình chuyển về sống cùng trong căn hộ đó. Mọi sinh hoạt gia đình vẫn diễn ra êm ấm cho đến năm 2017, khi người anh trai từ nước ngoài trở về vì làm ăn không thuận lợi. Ông A đưa vợ con về nước và đề nghị được cùng sống tại nhà mẹ. Mặc dù không hài lòng khi thấy em gái đang quản lý tiền tiết kiệm và sống trong nhà cha mẹ, nhưng ông vẫn không lên tiếng vì lo sợ nếu tranh chấp lúc mẹ còn sống, bà sẽ lập di chúc chỉ để lại tài sản cho con gái.

Năm 2018, cụ bà Dương quyết định chuyển quyền sở hữu một căn hộ khác đứng tên mình sang cho ông A để làm nơi sinh sống cho gia đình ông. Việc chuyển nhượng này có công chứng và được bà A đồng thuận. Như vậy, vào thời điểm đó, mỗi người con đều có một căn nhà, ông A sở hữu căn hộ đã chuyển nhượng, còn bà B tiếp tục ở trong căn nhà do cha quá cố để lại nhưng chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.

Khi mẹ mất, ông A bất ngờ khởi kiện em gái ruột của mình, yêu cầu chia đôi tài sản thừa kế, gồm 4,7 triệu NDT (khoảng 17 tỷ đồng) trong tài khoản tiết kiệm và căn hộ cha mẹ từng sinh sống. Bà B phản bác, cho rằng số tiền tiết kiệm đã được mẹ chuyển giao lúc còn sống nên không còn là tài sản thừa kế. Bà nói rằng ban đầu bà đồng ý để anh trai nhận căn hộ của mẹ cho là vì hiểu ngầm rằng căn nhà đang ở sẽ thuộc về mình.

Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận lập luận này, vì toàn bộ số tiền tiết kiệm đều được rút sau khi người mẹ qua đời. Theo quy định tại Điều 1122 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, tài sản còn lại khi một người qua đời được coi là tài sản thừa kế, nếu không có di chúc thì phải chia theo quy định pháp luật. Ngoài ra, bà B cũng không cung cấp được bằng chứng chứng minh việc mẹ mình có ý định tặng cho số tiền hay căn nhà. Tòa cũng ghi nhận rằng căn hộ đã được chuyển sang cho ông Lương có công chứng, cho thấy hai bên đã có sự đồng thuận và tài sản này không thuộc diện tranh chấp.

Tòa án xác định cả ông A và bà B đều là người thừa kế hợp pháp thuộc hàng thứ nhất. Tuy nhiên, xét đến công lao chăm sóc cha mẹ, sống cùng và lo liệu hậu sự trong nhiều năm, bà B được ưu tiên hưởng phần nhiều hơn. Cuối cùng, tòa tuyên bố căn nhà mà bà đang ở sẽ được chia theo tỷ lệ: bà B sở hữu 55%, ông A sở hữu 45%. Đối với khoản tiền tiết kiệm, bà B được chia 2,4 triệu NDT (khoảng 8,6 tỷ đồng), còn ông A được 2,3 triệu NDT (khoảng 8,3 tỷ đồng).

Trên thực tế, mặc dù tòa án phán quyết cho bà B được phần hơn, nhưng bà chỉ nhận được hơn anh trai 5% dù đã dành hơn một thập kỷ chăm sóc cha mẹ, sống chung và gánh vác mọi trách nhiệm. Trong khi đó, ông Lương không những đã được nhận riêng một căn hộ từ mẹ lúc còn sống mà vẫn còn được chia tiếp tài sản thừa kế.

Vụ việc là lời cảnh tỉnh đối với nhiều gia đình. Nếu cha mẹ lập di chúc rõ ràng trước khi qua đời, những tranh chấp đau lòng có thể được tránh khỏi. Theo quy định tại Điều 1123 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, di chúc có hiệu lực cao hơn việc thừa kế theo luật định. Việc không để lại di chúc khiến người con gái, người đã tận tụy với cha mẹ suốt hàng chục năm chỉ nhận được phần hơn rất ít so với người anh trai chỉ trở về để đòi chia phần.

(Theo Toutiao)