Nhảy đến nội dung
 

Bộ Nội vụ thẩm định 34 đề án, Hà Nội đứng đầu giảm xã phường sau sáp nhập

Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết đến thời điểm hiện tại, tất cả các tỉnh, thành phố đã gửi hồ sơ đề án sáp nhập đơn vị hành chính (đơn vị) cấp tỉnh, cấp xã.

Ngày 5-5, thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết đến nay tất cả các tỉnh, thành phố đã gửi hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính (đơn vị) cấp tỉnh, cấp xã (tổng số có 23 hồ sơ đề án cấp tỉnh và 63 hồ sơ đề án cấp xã).

Dự kiến Hà Nội giảm khoảng 76% cấp xã sau sáp nhập

Trên cơ sở hồ sơ đề án của địa phương gửi, Bộ Nội vụ sẽ thẩm định và xây dựng thành 1 hồ sơ đề án chung của Chính phủ về sắp xếp, hợp nhất với 52 tỉnh, thành phố theo định hướng sắp xếp, hợp nhất của Trung ương (11 tỉnh, thành phố giữ nguyên) để Chính phủ xem xét trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời thẩm định, xây dựng trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 34 hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị cấp xã (gồm 11 hồ sơ đề án của tỉnh, thành phố giữ nguyên và 23 hồ sơ đề án của 23 tỉnh, thành phố mới).

Đến 23h ngày 4-5, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ 26/34 hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị cấp xã, trong ngày 5-5 sẽ tiếp tục trình Chính phủ 6 hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị cấp xã.

Riêng 2 hồ sơ sắp xếp đơn vị cấp xã của 2 địa phương còn lại, Bộ Nội vụ đang phối hợp với địa phương hoàn thiện để sớm trình Chính phủ trước ngày 10-5.

Tổng hợp ban đầu từ đề án sắp xếp đơn vị cấp xã của các tỉnh, thành phố thì dự kiến thành phố Hà Nội là địa phương có tỉ lệ giảm đơn vị cấp xã sau sắp xếp nhiều nhất (khoảng 76%); thành phố Cần Thơ có tỉ lệ giảm đơn vị cấp xã sau sắp xếp ít nhất (khoảng 60%).

Tuy nhiên, tính tổng chung cả nước sau sắp xếp đơn vị cấp xã thì dự kiến sau sắp xếp cả nước giảm khoảng 67% so với hiện nay, đạt mục tiêu định hướng Trung ương đề ra là từ 60-70% số đơn vị cấp xã giảm sau sắp xếp.

Đối với các đơn vị cấp xã không thực hiện sắp xếp (giữ nguyên trạng), Bộ Nội vụ cho hay theo tổng hợp từ các địa phương, dự kiến cả nước có 128 đơn vị cấp xã không thực hiện sắp xếp do đã đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định hoặc có vị trí biệt lập không thực hiện sắp xếp.

Đối với hồ sơ đề án chung về sắp xếp, hợp nhất các tỉnh, thành phố, Bộ Nội vụ cho biết đang khẩn trương phối hợp với các địa phương để hoàn thiện hồ sơ đề án này để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, theo nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11, Trung ương Đảng thống nhất chủ trương về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương).

Theo danh sách kèm theo nghị quyết 60, có 11 đơn vị cấp tỉnh (2 thành phố, 9 tỉnh) không thực hiện sáp nhập và có 52 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập, hợp nhất để hình thành 23 tỉnh, thành mới.

Cả nước còn hơn 3.320 đơn vị cấp xã sau sáp nhập

Trước đó, theo số liệu báo cáo tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 3-5, trên cơ sở tổng hợp đề án của các địa phương cho thấy về số lượng đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm từ 10.035 còn hơn 3.320 đơn vị (tương đương 66,91%). Trong đó địa phương tỉ lệ giảm cao nhất 76,05%, địa phương có tỉ lệ giảm thấp nhất 60%.

Về tổ chức đảng ở địa phương, dự kiến cấp tỉnh giảm 29 đảng bộ tỉnh, thành phố (từ 63 còn 34 đảng bộ tỉnh, thành phố); giảm hơn 260 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh.

Kết thúc hoạt động của 694 đảng bộ huyện và hơn 4.160 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp huyện. Thành lập mới hơn 3.320 đảng bộ xã (2.595 xã, 713 phường, đặc khu), lập tối đa 10.660 cơ quan, đơn vị trực thuộc đảng ủy cấp xã.

Về số lượng cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp xã (bao gồm khối Đảng, đoàn thể và khối chính quyền), dự kiến sau sắp xếp: cấp tỉnh sẽ giảm hơn 18.440 biên chế cán bộ, công chức so với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2022.

Cấp xã (xã, phường, đặc khu) sẽ giảm hơn 110.780 biên chế cán bộ, công chức so với tổng số biên chế cấp huyện và cấp xã giao năm 2022 do sắp xếp vị trí việc làm, tinh giản biên chế, nghỉ chế độ theo quy định.

Kết thúc hoạt động của khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước.