Bộ Nội vụ giải đáp việc cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi nhưng chưa được giải quyết

Dù đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định, nhưng hồ sơ của người lao động chưa được giải quyết. Trong trường hợp này, cần làm gì để bảo đảm quyền lợi?
Đó là vấn đề được nhiều cán bộ, công chức cấp xã ở một số tỉnh, thành gửi đến Bộ Nội vụ trong những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Ông Nguyễn Văn An (sinh ngày 9/6/1969) là cán bộ xã tại tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình) phản ánh, ông có trình độ đại học, đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc 25 năm.
Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị định 178/2024, ngày 19/5 vừa qua, ông có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/7 theo quy định tại Điều 7 của nghị định này. Đơn của ông đã được UBND xã đồng ý và gửi hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết chế độ nghỉ hưu.
Tuy nhiên, đến ngày 29/6, Sở Nội vụ vẫn chưa có văn bản phản hồi. Trong khi đó, theo quyết định phân công nhiệm vụ từ ngày 1/7, ông An tiếp tục được bố trí làm việc tại Văn phòng HĐND, UBND xã.
Ông An đặt câu hỏi: Với trường hợp đã làm hồ sơ nghỉ hưu trước tuổi nhưng chưa được giải quyết, sau ngày 1/7 vẫn được phân công nhiệm vụ mới thì có được nghỉ theo Nghị định 178/2024 hay không? Nếu tiếp tục có nguyện vọng nghỉ sau thời điểm đó, thủ tục cần thực hiện như thế nào?
Bộ Nội vụ trả lời như sau: Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025), ông An thuộc đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc sắp xếp đơn vị hành chính, đây là điều kiện để được xem xét nghỉ hưu trước tuổi.
Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ này không do Bộ Nội vụ trực tiếp quyết định, mà được phân cấp cho chính quyền địa phương.
Cụ thể, theo Điều 17 và Điều 19 của Nghị định 178, trách nhiệm xem xét, giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý và sử dụng cán bộ.
Sau khi có ý kiến thống nhất của đơn vị trực tiếp quản lý (trong trường hợp này là UBND xã), UBND cấp tỉnh sẽ là cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định chính thức.
Vì vậy, trong trường hợp của ông An, việc chưa có văn bản trả lời từ Sở Nội vụ không có nghĩa là không được nghỉ hưu, mà là hồ sơ chưa được giải quyết dứt điểm.
Bộ Nội vụ đề nghị ông tiếp tục gửi kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền của tỉnh để được xem xét theo đúng quy trình.
Như vậy, cán bộ thuộc diện bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp đơn vị hành chính có thể được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của Nghị định 178 và 67. Tuy nhiên, việc nghỉ hay không phụ thuộc vào quyết định của UBND cấp tỉnh, dựa trên hồ sơ và đề xuất từ đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ.
Trao đổi với VietNamNet, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng thông tin thêm: Nghị định 178 và 67 đã quy định rất chặt chẽ, không phải ai xin nghỉ cũng được xem xét cho nghỉ. Cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức phải đánh giá tổng thể, rà soát ai không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công việc mới thì mới xem xét cho nghỉ.
Theo ông Dũng, trước khi ban hành Nghị định 178, Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu chính sách ban hành phải bảo đảm quyền lợi cho những người trực tiếp bị ảnh hưởng do sắp xếp, tổ chức bộ máy, đồng thời phải giữ chân người có năng lực ở lại làm việc, đưa người không đáp ứng được nhiệm vụ ra khỏi bộ máy.