Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng khi Triều Tiên xác nhận gửi quân đến Nga

Theo hãng thông tấn Yonhap, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/4 đã cáo buộc Triều Tiên và các nước thứ ba khác đã kéo dài cuộc chiến Nga - Ukraine và phải chịu trách nhiệm liên quan.
![]() |
Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington. Ảnh: Yonhap. |
Thông tin trên dường như chỉ xuất hiện vài giờ sau khi Bình Nhưỡng lần đầu tiên xác nhận triển khai quân tới Nga. Người phát ngôn phía Mỹ cũng kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng triển khai quân cũng như đề nghị Nga chấm dứt mọi hỗ trợ cho phía Triều Tiên.
"Chúng tôi tiếp tục quan ngại về sự can dự trực tiếp của Triều Tiên vào cuộc chiến. Việc Triều Tiên triển khai quân tới Nga và bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Nga cho Triều Tiên đều phải chấm dứt", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Trước đó, Triều Tiên lần đầu tiên xác nhận nước này đã triển khai quân tới Nga để hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng quân đội Triều Tiên đã giúp Nga giành lại quyền kiểm soát tỉnh Kursk.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết việc triển khai quân của Triều Tiên được thực hiện theo lệnh chỉ đạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo hiệp ước phòng thủ chung giữa Bình Nhưỡng và Moskva.
Theo KCNA, sau khi nhận định rằng tình hình chiến sự tại Nga đáp ứng các điều kiện để viện dẫn hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã quyết định cử lực lượng vũ trang của nước này tới tham chiến và cũng đã thông báo cho phía Nga về vấn đề này.
Trước đó vào tháng 6 năm ngoái, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã ký hiệp ước chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bình Nhưỡng, trong đó cam kết hai nước sẽ viện trợ quân sự cho nhau trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
KCNA tuyên bố các hoạt động quân sự của lực lượng Triều Tiên tại Nga hoàn toàn tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, các quy định luật pháp quốc tế khác và hiệp ước song phương. Hãng tin Triều Tiên cũng trích dẫn phát biểu của ông Kim Jong-un khi mô tả các hoạt động này là một sứ mệnh thiêng liêng nhằm củng cố hơn nữa tình hữu nghị và đoàn kết với Nga và bảo vệ danh dự của Triều Tiên. "Những người đấu tranh cho công lý đều là anh hùng và đại diện cho danh dự của quê hương", ông Kim cho biết.
Ông Kim Jong-un cũng cho biết một tượng đài ca ngợi lòng anh hùng và lòng dũng cảm của những chiến sĩ tham chiến sẽ sớm được dựng lên ở Bình Nhưỡng, những bông hoa cầu nguyện cho sự bất tử sẽ được đặt trước bia mộ của những người lính đã hy sinh để ghi nhận những đóng góp của họ.
Hãng thông tấn KCNA đưa tin, Quân ủy Trung ương Triều Tiên tin tưởng rằng tình hữu nghị "bất khả chiến bại" giữa Triều Tiên và Nga, đã được kiểm chứng qua chiến đấu, sẽ góp phần to lớn vào việc mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác trong tương lai giữa hai quốc gia.
Việc Triều Tiên xác nhận triển khai binh lính diễn ra chỉ 2 ngày sau khi phía Nga công nhận rằng binh sĩ Triều Tiên đã tham gia giúp Nga chống Ukraine.
Ông Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, đã xác nhận sự tham chiến của binh sĩ Triều Tiên trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Putin hôm 26/4, đồng thời ghi nhận vai trò quan trọng của những người lính này trong việc giải phóng khu vực Kursk.
Quân đội Hàn Quốc ước tính rằng vào tháng 1 và tháng 2 vừa qua, Triều Tiên đã điều thêm khoảng 3.000 binh sĩ tới khu vực Kursk. Những binh lính Triều Tiên đã nhanh chóng thích nghi với chiến đấu và góp phần giúp Nga giành lại quyền kiểm soát tỉnh Kursk.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.