Bộ Giáo dục: Nói đại học lấy hết thí sinh của trường nghề là tự hạ thấp bản thân

Theo thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, giáo dục nghề nghiệp là sự lựa chọn, không phải ép buộc; trường nghề không thể vì muốn có nhiều nguồn tuyển sinh hơn mà cản trở con đường học sinh học đại học bằng đề xuất 'siết' chuẩn.
Tại hội nghị Triển khai công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên năm 2025, tổ chức sáng 16-5, lãnh đạo một số trường cao đẳng đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp.
Tuyển sinh khó vì có trường đại học lấy chuẩn đầu vào 'cực kỳ thấp'
Tại hội nghị, bà Phan Thị Lệ Thu, phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông (TP.HCM) - cho biết một trong những điều khiến trường nghề khó tuyển sinh là "chuẩn đầu vào của trường đại học". Theo bà, có những trường đại học lấy chuẩn đầu vào cực kỳ thấp, học sinh trung bình cũng có thể có khả năng đậu đại học.
"Chính vì tâm lý ưa chuộng bằng cấp của nhiều học sinh, phụ huynh, 100% phụ huynh muốn con vào đại học, tự hào hơn khi con bước vào một trường đại học thay vì vào trường cao đẳng, học cao đẳng rồi liên thông lên đại học… Nhiều phụ huynh đã cho con 'vào đại' một trường đại học, không cần quan tâm trường đó thế nào, ngành nghề theo học có phù hợp hay không, học xong rồi tính", bà Thu nói.
Ông Phạm Xuân Khánh - hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội - cho biết trong quá trình tuyển sinh, nhà trường cam kết với người học 100% sinh viên ra trường có việc làm hoặc có thể tự tạo việc làm, nhưng thực tế tuyển sinh vẫn rất vất vả.
"Trường phải "gồng gánh", đến "gõ cửa" các trường THCS, THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên để giới thiệu chương trình đào tạo đến người học. Hình thức này cũng khó khăn, tốn kém chi phí nhưng cũng không hiệu quả", ông nói.
Theo ông Đặng Việt Xô - hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Việt Nam - nói về tuyển sinh cao đẳng thì phải nhắc đến tuyển sinh đại học, "đào tạo đại học, đào tạo chất lượng rất cao phải tương xứng với đầu vào thì mới chất lượng".
"Chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2024 là 551.000, mà năm 2025 theo báo cáo phương hướng tuyển sinh cao đẳng và trung cấp là 530.000. Tôi thấy như vậy rất bất hợp lý, mất cân đối giữa các ngành nghề, trình độ đào tạo, mất tính liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Đáng lý giáo dục đại học tinh hoa tuyển ở một mức độ nhất định, còn lại phải dành cho giáo dục nghề nghiệp", ông Xô nói.
Không nên tư duy đại học là "thầy", cao đẳng là "thợ"
Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng các trường nghề nếu muốn tốt lên phải thay đổi chính mình, thay đổi tư duy, cách nhìn nhận vấn đề.
Bởi, có thực tế nhà trường chỉ nhìn từ phía mình, nhìn vào chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng tuyển được. Chưa ai nói vì sao trường tồn tại, sứ mệnh trường là gì.
Theo ông, giáo dục là dịch vụ công đặc biệt, được Nhà nước ủy quyền cho các cơ sở giáo dục cho thực hiện. Mục tiêu tồn tại để đào tạo, phát triển con người, cung cấp nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, mang lại giá trị tốt hơn cho người học. Nếu làm được tốt hai việc này số lượng tuyển sinh tăng lên.
Với giáo dục nghề nghiệp, đây là một dịch vụ công thiết yếu, phải tiếp cận theo hướng thị trường, bảo đảm quyền học tập, quyền lựa chọn của người dân.
Ông nhấn mạnh, không thể vì muốn có nhiều nguồn tuyển sinh hơn cho giáo dục nghề nghiệp mà cản trở con đường học sinh học đại học, càng làm như vậy sẽ càng hạ thấp vai trò của giáo dục nghề nghiệp.
"Nếu cứ nhìn thấy khó khăn là đề xuất lên bộ phải làm thế nào để phân luồng, tăng điểm sàn đại học, siết chặt đại học, truyền thông "thừa thầy thiếu thợ" để đề cao mình lên, hạ thấp đại học xuống. Đây là tiếp cận không đúng và không thể tiến xa nếu vẫn tiếp cận theo cách này.
Đại học không hẳn là "thầy", học nghề không hẳn là "thợ". Nói đại học lấy hết thí sinh càng hạ thấp chúng ta", ông Sơn nói.
Theo ông, các trường nghề phải đặt câu hỏi vì sao trường không tuyển sinh được nhiều, vì sao học sinh không lựa chọn, việc làm, thu nhập của người học tốt nghiệp các trình độ đã tốt chưa?
Phải chăng mô hình đào tạo chưa phù hợp khi trường muốn các em học xong lớp 9, học thêm 1-2 năm trung cấp để đi làm ngay - điều này phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em chưa, trong khi các em muốn có kiến thức để phát triển lâu dài?
Ông Sơn nhận định giáo dục nghề nghiệp là sự lựa chọn, không phải ép buộc. Theo ông, các trường hãy bàn làm thế nào để tăng chất lượng đào tạo, cách thiết kế chương trình môn học, đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng công nghệ, quan trọng nhất là bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Bên cạnh đó, các trường phải thay đổi thông điệp truyền thông, đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất cho học sinh, phải giúp học sinh yên tâm trong lựa chọn, cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng mở hệ thống tuyển sinh chung để hỗ trợ các trường cao đẳng giáo dục nghề nghiệp tham gia xét chung đại học với tinh thần tự nguyện, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch hơn.