Bộ Chính trị hướng dẫn độ tuổi, số lượng nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030

Tại Chỉ thị 45, Bộ Chính trị hướng dẫn, quy định rõ về độ tuổi cũng như số lượng cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị 45 về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Trong đó, cùng với việc chuẩn bị tổ chức, văn kiện, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh công tác nhân sự của đại hội các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Bộ Chính trị yêu cầu công tác chuẩn bị nhân sự, bầu cử hoặc chỉ định phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc, quy định; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao; làm thận trọng từng bước, "làm đến đâu chắc đến đó"; gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) nhiệm kỳ tới.
Bộ Chính trị lưu ý, có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ "sót" những người thật sự có đức, có tài; đồng thời, kiên quyết không để "lọt" vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, dao động, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết.
Đồng thời, không để lọt những người né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, "lợi ích nhóm", có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa",...
Bộ Chính trị cũng yêu cầu không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc; vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát lớn, vụ việc tiêu cực gây ảnh hưởng xấu ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách.
Độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc
Tại Chỉ thị 45, Bộ Chính trị cũng thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy (là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp): cấp cơ sở tháng 4.2025; cấp trên trực tiếp cơ sở (gồm cả đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Công an T.Ư) tháng 6.2025; đảng bộ các xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh là tháng 7.2025; cấp trực thuộc T.Ư tháng 9.2025.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tháng 3.2026.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) là thời điểm đại hội ở các cấp của mỗi tổ chức.
Về độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội), Chỉ thị 45 nêu rõ, những người lần đầu tham gia phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp, thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức.
Những người được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 48 tháng trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp. Trường hợp đặc biệt đối với nhân sự là phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 42 tháng trở lên.
Cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 36 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức.
Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, các ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII thực hiện quy định về độ tuổi tái cử theo phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Cơ bản thực hiện bố trí bí thư (phó bí thư) cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND ở cấp tỉnh, cấp xã.
Mỗi ủy viên trong thường trực cấp ủy cấp tỉnh cơ bản không giữ quá 2 chức danh trong các chức danh lãnh đạo tỉnh, thành phố: bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc.
Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hòa nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; phấn đấu cơ bản hoàn thành ở cấp xã và khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.
Số lượng cấp ủy tại các tỉnh thành sau khi sáp nhập
Về số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ và phó bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị quy định, đối với địa phương hợp nhất, sáp nhập thì giữ số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 như số lượng được chỉ định tại thời điểm sau hợp nhất, sáp nhập nhiệm kỳ 2020 - 2025 (trừ những người không đủ tuổi tái cử, chuyển công tác khác hoặc có nguyện vọng nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi) và sẽ thực hiện giảm dần số lượng trong thời gian 5 năm sau sau khi hợp nhất, sáp nhập, đến nhiệm kỳ 2030 - 2035 số lượng cấp ủy sẽ thực hiện theo quy định mới của Bộ Chính trị.
Các địa phương không hợp nhất, sáp nhập, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện như nhiệm kỳ 2015 - 2020; đối với số lượng phó bí thư thực hiện theo Kết luận số 102, ngày 30.11.2024 của Bộ Chính trị.
Định hướng cơ cấu ban thường vụ, gồm các bí thư, phó bí thư; chủ tịch HĐND (bí thư hoặc phó bí thư kiêm nhiệm), chủ tịch UBND; 1 phó chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch UBND; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy và trưởng các ban: Tổ chức, Tuyên giáo - Dân vận, Nội chính; chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (đổi với nơi có từ 3 phó bí thư trở lên thì phân công 1 người kiêm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc); chỉ huy trưởng quân sự, giám đốc công an; người đứng đầu một số đảng bộ xã, phường, đặc khu và lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của ban thường vụ cấp ủy.
Đối với Đảng bộ các cơ quan Đảng T.Ư, Bộ Chính trị yêu cầu ban chấp hành không quá 39 người; ban thường vụ không quá 17 người.
Định hướng cơ cấu gồm ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư là Bí thư Đảng ủy; Bí thư T.Ư Đảng, Chánh văn phòng T.Ư Đảng là Phó bí thư thường trực Đảng ủy; 1 lãnh đạo cấp phó là bí thư đảng ủy các ban, cơ quan Đảng T.Ư (Tổ chức; Ủy ban Kiểm tra; Tuyên giáo - Dân vận; Nội chính; Chính sách, chiến lược; Văn phòng), Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, 1 lãnh đạo TAND tối cao, 1 lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; 2 - 3 phó bí thư đảng ủy chuyên trách.
Số lượng phó bí thư gồm 1 phó bí thư thường trực và 2 - 3 phó bí thư chuyên trách.
Đối với đảng bộ Chính phủ, Ban chấp hành không quá 61 người. Ban thường vụ không quá 17 người. Định hướng cơ cấu gồm Thủ tướng Chính phủ là Bí thư Đảng ủy; Phó thủ tướng thường trực Chính phủ là Phó bí thư thường trực Đảng ủy; các Phó thủ tướng Chính phủ; bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổng Thanh tra Chính phủ; 2 - 3 phó bí thư đảng ủy chuyên trách; một số cơ cấu khác do Đảng ủy Chính phủ đề xuất.
Số lượng phó bí thư gồm 1 phó bí thư thường trực và 2 - 3 phó bí thư chuyên trách.
Đối với Đảng bộ Quốc hội, Chỉ thị 45 nêu rõ, Ban chấp hành không quá 43 người; Ban thường vụ không quá 21 người. Định hướng cơ cấu gồm các Chủ tịch Quốc hội là Bí thư Đảng ủy; ủy viên Bộ Chính trị hoặc ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội là Phó bí thư thường trực Đảng ủy; các Phó chủ tịch Quốc hội; các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng Kiểm toán Nhà nước; 2 - 3 Phó bí thư Đảng ủy chuyên trách; cơ cấu khác do Đảng ủy Quốc hội đề xuất.
Số lượng phó bí thư gồm 1 phó bí thư thường trực và 2 - 3 phó bí thư chuyên trách.
Đối với Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể T.Ư, Bộ Chính trị hướng dẫn, Ban chấp hành không quá 45 người. Ban thường vụ không quá 15 người.
Định hướng cơ cấu gồm Ủy viên viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Bí thư Đảng ủy; ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch - Tổng thư ký ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Phó bí thư thường trực Đảng ủy, các phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội; 2 - 3 phó bí thư đảng ủy chuyên trách; cơ cấu khác do Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể T.Ư đề xuất.
Số lượng phó bí thư gồm 1 phó bí thư thường trực và 2 - 3 phó bí thư chuyên trách.
Bộ Chính trị lưu ý, sau Đại hội XIV của Đảng, Bộ Chính trị sẽ chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư nhiệm kỳ 2025 - 2030 của 4 đảng bộ nêu trên (tương tự như đổi với Quân ủy T.Ư và Đảng ủy Công an T.Ư).
Cùng đó, trường hợp thật sự cần thiết, Bộ Chính trị sẽ xem xét tăng thêm số lượng phó bí thư chuyên trách của 4 đảng bộ để bố trí, sắp xếp cán bộ.