Bình Dương: Xây dựng khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Công trình đặc biệt khởi công xây dựng đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa về giá trị văn hóa lịch sử, lưu dấu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong thời gian hoạt động yêu nước tại Bình Dương.
Sáng 19.5, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ khởi công xây dựng khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) kết hợp dự án chỉnh trang đô thị Thủ Dầu Một với sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương…
Dự án khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng trên diện tích 3,6 ha ở TP.Thủ Dầu Một.
Đặc biệt, công trình khu lưu niệm sau khi được xây dựng hoàn thành sẽ liên thông với chùa Hội Khánh (nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hoạt động yêu nước) và Trường trung cấp Phật học, tạo thành một khu cảnh quan có ý nghĩa đặc biệt mang lại nhiều giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết dự án được triển khai trong giai đoạn 2025 - 2028 bao gồm các hạng mục chính như: nhà thờ và nhà lễ khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với kiến trúc dân gian Nam bộ kết hợp truyền thống Việt; không gian trưng bày, tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó bảng; quảng trường và hạ tầng cảnh quan đô thị được chỉnh trang đồng bộ, tạo điểm nhấn cho khu trung tâm TP.Thủ Dầu Một.
Quá trình hoạt động yêu nước tại Bình Dương
Theo hòa thượng Thích Huệ Thông, Trưởng ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương, trong suốt cuộc hành trình vào Nam, cụ Nguyễn Sinh Sắc chọn các chùa làm nơi cư trú, thường xuyên đàm đạo với các bậc cao tăng, truyền bá tư tưởng yêu nước trong dân chúng.
Vào năm 1923, cụ Nguyễn Sinh Sắc đến vùng đất Thủ Dầu Một, chọn chùa Hội Khánh cùng với hòa thượng Từ Văn và cụ Tú Cúc Phan Đình Viện cùng nhau thành lập Hội Danh dự yêu nước, với mục đích truyền bá tư tưởng yêu nước, dạy học, giúp đỡ người dân trong việc bốc thuốc trị bệnh...
Thời gian ở Thủ Dầu Một, do mật thám luôn theo dõi nên cụ Nguyễn Sinh Sắc thường xuyên phải di chuyển nhiều nơi đến các vùng như Tương Bình Hiệp, Tân An, Tân Khánh… (Bình Dương ngày nay) để trao đổi y thuật, bốc thuốc trị bệnh và truyền bá tư tưởng yêu nước cho người dân.
Đến năm 1926, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị nhà cầm quyền nghi ngờ làm chính trị và bị bắt tạm giam 3 ngày tại khám đường Thủ Dầu Một. Sau khi ra khỏi khám đường, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng với các nhà hoạt động yêu nước khác đã rời khỏi chùa Hội Khánh để đảm bảo an toàn cho ngôi chùa không để thực dân Pháp đốt, phá.
Tuy nhiên, sau đó cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn bí mật quay lại chùa để luận bàn với các hòa thượng, nhà yêu nước về những vấn đề cứu nước, cứu dân ra khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Hòa thượng Thích Huệ Thông khẳng định việc xây dựng khu lưu niệm có ý nghĩa đặc biệt, tỏ lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc đối với một vị sĩ phu yêu nước như cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, cũng là người cha sinh thành, nuôi dưỡng và định hướng cho Bác Hồ một con đường ra đi tìm đường cứu nước, để đem lại sự độc lập tự do cho dân tộc và để hôm nay dân tộc Việt Nam được ấm no, hạnh phúc.
Ngoài ra, công trình còn tạo điều kiện cho người dân thưởng ngoạn, về nguồn, chiêm bái, học tập... một địa chỉ có giá trị văn hóa tâm linh dân tộc.